(Baonghean.vn) - Trám đen được xem là đặc sản của huyện Thanh Chương nhưng do là loài cây gỗ cao to khó khăn khi thu hái và chất lượng không đồng đều nên huyện Thanh chương đã xây dựng dự án lai ghép trám đen.
Những ngày này, ông Nguyễn Trọng Tài ở xóm 1 xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương rất vui bởi sau 3 năm đưa cây trám ghép vào trồng, cây đã cho quả bói. Và nhờ bóng râm từ hơn 100 gốc trám vườn chè hơn 3 ha của nhà ông qua nắng hạn vẫn xanh tốt.
Cũng như ông Tài, chị Đậu Thị Tuyết ở xóm 5, xã Thanh Nho cũng là người đã trồng trám đên lai ghép theo kỹ thuật mới. Chị Tuyết cho biết: vào vụ thứ 2, tính ra bình mỗi cây đã cho thu nhập khoảng 2 triệu. Với hiệu quả từ cây trám, gia đình chị Tuyết đã quyết định trồng 18 cây trám thay thế vào diện tích trồng cam.
Được biết, tại xã Thanh Nho, từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 1.000 cây trám được trồng mới, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Cảnh Giao trồng trên 300 gốc ở trang trại.
Là cây đặc sản, ở Nghệ An trám đen phân bố ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ. Trong đó trám đen Thanh Chương được cho là chất lượng nhất. Cây có nhiều ở các xã: Cát Văn, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Đức.
Nhiều cây trám có năng suất rất cao, chất lượng quả tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Khi đến đến tuổi trưởng thành trung bình mỗi cây cho quả đạt 100 kg, với giá như hiện nay từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu có 5 - 6 cây trong vườn cũng thu được 20 - 25 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, cây trám trên địa bàn huyện Thanh Chương chủ yếu là mọc tự nhiên, được trồng bằng hạt không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, chất lượng quả không đồng đều. Cây trồng bằng hạt nên 7-8 năm sau mới có quả. Cây lại có bộ khung tán cao nên khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh…
Từ năm 2010 huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương". Đây là dự án nằm trong chương trình khoa học và công nghệ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành, thị do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, có tổng kinh phí 661 triệu đồng.
Năm 2010, năm đầu thực hiện dự án Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn những cây trám ngon của địa phương về nhân giống được 2000 cây cung cấp cho nhân dân. Bước sang năm 2011, Sở Khoa học Công nghệ đã giúp Thanh Chương mở vườn ươm nhân giống tại chỗ tại xã Thanh Liên trên địa bàn huyện. Từ đó đã nhân giống được hàng ngàn cây xuất bán, xây dựng được nhiều mô hình trên địa bàn.
Nhân giống bằng phương pháp ghép cây có ưu điểm là nhanh cho thu hoạch quả, thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh.
Trước hiệu quả kinh tế của dự án cải tạo và phát triển cây trám đen, ông Nguyễn Bá Quý- Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương, đồng thời là chủ vườn ươm ghép trám cho biết, hội đã chuyển giao được kỹ thuật ươm ghép, vườn cây giống luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cây giống cho người làm vườn.
Hiện nay, huyện Thanh Chương đang xúc tiến các bước nhân rộng diện tích trồng trám trên đất vườn và các diện tích đất đồi ở tất cả các xã trên địa bàn, nhất là ở các vùng có quỹ đất lớn như Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thủy, Tổng đội TNXP 5. Chỉ trong vài năm tới, với hàng ngàn cây trám cho thu hoạch, khối lượng sản phẩm sẽ rất lớn. Vấn đề còn lại là tìm đầu ra ổn định cho cây trám, nhằm tránh việc người dân bị thương lái ép giá.
Trần Đình Hà
Đài Thanh Chương