Sáng 18/11, tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. 

 

bna_img_71642031727_18112021.jpgToàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

XÂY DỰNG CHẾ TÀI XỬ LÝ VI PHẠM CCHC TRONG QUY CHẾ NỘI BỘ

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí thực hiện; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp được nâng lên.

Giai đoạn 2011 - 2020, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính được cải thiện qua hàng năm. Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành.

Cùng với đó, tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp hợp lý hơn, chất lượng được nâng lên; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. 

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Thể chế hành chính còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp. Thủ tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chất lượng chưa cao. Tính chủ động, hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cũng chưa cao;…

Trong bối cảnh trên, việc xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 được xác định trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất tốt; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số PAR index, PAPI, PCI trong nhóm 15 cả nước. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục phấn đấu tăng thứ hạng các chỉ số so với năm 2025. 

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết; đồng thời trao đổi thêm về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu trên, như: bên cạnh xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để lấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước thì cần có giải pháp xử lý; thể hiện rõ kết quả xử lý vi phạm thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ;…

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị có giải pháp tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp vì hiệu quả cải cách hành chính phải xuất phát từ hai phía là cơ quan chính quyền các cấp và cả người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị bên cạnh các quy định pháp luật của Nhà nước, thì Nghị quyết cần bổ sung giải pháp trong quy chế nội bộ của từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, tại các cơ quan giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp phải quy định thêm quy trình, thời gian giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức gắn với chế tài xử lý cụ thể, nhằm điều chỉnh hành vi, nâng cao trách nhiệm và có thể xử lý kịp thời nếu cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định trong quy chế nội bộ; qua đó nâng cao chất lượng thực thi công vụ ngay từ mỗi cơ quan, đơn vị. 

CHUYỂN ĐỔI SỐ NHANH CHÓNG, TOÀN DIỆN NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cơ bản đồng tình với các nội dung về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Nghị quyết xây dựng. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Tỉnh ủy bày tỏ trăn trở khi các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết chưa đưa ra được giải pháp đột phá cho công tác cải cách hành chính của tỉnh trong giai đoạn tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Thành Duy

Qua phân tích, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Nghị quyết cần đề cập rõ giải pháp đột phá cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Nghệ An là chuyển đổi số nhanh chóng và toàn diện nền hành chính công; qua đó dành nguồn lực, công sức và đặt ra yêu cầu rất cao để thực hiện giải pháp này. 

Mục tiêu hướng đến là tạo được nền tảng số để người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với chính quyền không cần phải trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước mà giao dịch trực tiếp qua mạng.

Song song với lộ trình thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu cần phải tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính; tiếp tục xây dựng quy trình xử lý hồ sơ theo quy chuẩn, nhất là hồ sơ liên quan đến dịch vụ công, các chủ trương đầu tư, các dự án triển khai; đồng thời phát huy tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từng cơ quan cần phải đẩy nhanh chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu trao đổi một số nội dung xung quanh dự thảo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, định hướng và xử lý các vấn đề báo chí nêu trong tình hình hiện nay. Ảnh: Thành Duy

Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận, cho ý kiến trước khi hoàn thiện và ban hành.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình giai đoạn 2021 - 2025; thông qua Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, định hướng và xử lý các vấn đề báo chí nêu trong tình hình hiện nay; bàn về sửa đổi Quy định số 527-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy chế làm việc của Đảng đoàn HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026;…