Đơn giản, linh hoạt và không ngừng cải tiến
Trong những năm qua, công tác CCHC đã được ngành Giáo dục Nghệ An chú trọng với mục tiêu đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành đã đặt ra 10 mục tiêu cụ thể. Đó là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quán triệt, triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, thường xuyên chỉ đạo rà soát giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác cải cách hành chính, khắc phục tình trạng giao khoán nhiệm vụ cải cách hành chính cho cấp phó, cho công chức, viên chức tham mưu giúp việc...
Bên cạnh đó, tiến hành tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo Kế hoạch số 111-KH/TU, ngày 2/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhất là cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa của các đơn vị cơ sở giáo dục.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, ngành tiếp tục rà soát xây dựng Bộ thủ tục hành chính của ngành nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phục vụ tra cứu, cập nhật, công khai thủ tục hành chính, nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính - dịch vụ công hồ sơ giấy tờ, quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết...
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát quy trình, thủ tục, hồ sơ hành chính; thực hiện công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình triển khai, ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý văn bản, điều hành trên hệ thống Vnpt-Ioffice từ cơ quan sở và các đơn vị trực thuộc; gửi, nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông.
Tăng cường ứng dụng chữ ký số, chứng thư số nhất là đối với lãnh đạo sở và các đơn vị trực thuộc áp dụng chữ ký số, chứng thư số để xác thực văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc và phần mềm một cửa điện tử để giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân.
Nhìn lại những đột phá về công tác CCHC của ngành Giáo dục trong những năm trở lại đây, có thể thấy có nhiều chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Hai năm trở lại đây những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của ngành đã giải quyết kịp thời với mức độ hoàn thành kế hoạch đạt 100%. Song song với nhiệm vụ này, ngành đã công khai các thủ tục hành chính theo quy định trên cổng, trang thông tin điện tử của ngành kịp thời và đầy đủ.
Qua đó, giúp cho các cá nhân và đơn vị liên quan có thông tin một cách chính xác và nhanh chóng. Cổng thông tin điện tử của ngành cũng là một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả giúp ngành cập nhật nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc triển khai nhiệm vụ, công bố các kết quả của các kỳ thi, kết quả thi đua khen thưởng, sáng kiến kinh nghiệm...
Công tác CCHC cũng đã gắn liền với các nhiệm vụ chuyên môn như kịp thời đổi mới và nâng cao chất lượng, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần tạo ra diện mạo mới cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, tạo sự đồng thuận, phấn khởi của đông đảo nhân dân và toàn xã hội. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả nước.
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn là cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, đồng thời còn thể hiện sự vận dụng linh hoạt, các chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Để hiện đại hóa hành chính, ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hiện, việc tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết, hội thảo... bằng hình thức trực tuyến đã được ngành thực hiện thường xuyên với việc kết nối đến điểm cầu của 21 huyện, thành, thị và tất cả các trường THPT trên địa bàn. Hình thức này đặc biệt phát huy trong năm nay khi dich Covid-19 trên toàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ thực hiện linh hoạt các cuộc họp trực tuyến nên công tác chỉ đạo, điều hành từ sở xuống các đơn vị vẫn được duy trì và thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức được hàng chục cuộc tập huấn chuyên môn thông qua việc ứng dụng thông tin và thúc đẩy nhanh việc tổ chức dạy học trực tuyến trong các nhà trường. Năm học này, trong bối cảnh dịch bệnh ngành cũng đã linh hoạt trong việc triển khai các nhiệm vụ như tiến hành tổ chức tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến, duyệt tuyển sinh qua mạng, linh động để hỗ trợ học sinh Nghệ An trở về từ các vùng dịch hoặc đang “mắc kẹt” tại các địa phương, đảm bảo tất cả học sinh đều được đến trường bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nâng chất lượng dịch vụ giáo dục
Liên quan đến công tác CCHC, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lấy “thước đo” qua việc khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Đây là một phương thức được thực hiện nhằm đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công lập thông qua việc tìm hiểu cảm nhận của những đối tượng trực tiếp thụ hưởng những dịch vụ này.
Trước đó, năm 2019, ngành Giáo dục cũng đã tiến hành khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân tại 3 địa phương với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, gồm: Thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Quỳ Châu. Việc khảo sát được thực hiện với các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; cha mẹ học sinh trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên ở các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm GDNN - GDTX.
Qua nhiều nội dung khảo sát từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, môi trường giáo dục, hoạt động giáo dục, sự phát triển tiến bộ của người học... đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Kết quả tỷ lệ hài lòng toàn diện của cấp mầm non cao nhất là 97.67%, tiểu học là 90.88%, THCS là 86,91%, THPT là 87,74%. Riêng tỷ lệ hài lòng toàn diện của phụ huynh bậc THPT là 92,06%.
Qua khảo sát, một số bất cập cũng đã được thể hiện rõ như lĩnh vực cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đánh giá cao, tỷ lệ hài lòng của bậc GDTX còn thấp hơn so với các bậc học khác...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát là cơ sở để các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục xác định được nhu cầu, nguyện vọng của người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và đảm bảo sự hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục công. Đây còn là một trong các căn cứ để các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục có biện pháp nhằm cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công về giáo dục.
Hiện, việc tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công đang được ngành Giáo dục triển khai cho năm 2020 và đã xây dựng kế hoạch cho năm 2021. Song song với đó, để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ dịch vụ công nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra để việc tiếp cận các dịch vụ ngày một hiệu quả và sát với thực tiễn hơn, chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Gần đây nhất, Nghệ An là địa phương đầu tiên triển khai công tác đảm bảo chất lượng các trường phổ thông với mục tiêu cuối cùng là hình thành được văn hóa chất lượng trong nhà trường hướng đến chất lượng thực của học sinh, hướng đến sự thành đạt của người học.
Cải cách hành chính là một nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên và khâu đột phá của ngành Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Chúng tôi cũng xác định, cải cách hành chính phải hướng tới đơn giản, hiệu quả giúp giải quyết công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.