Dân được hỗ trợ, xóm trưởng không biết
Phóng viên Báo Nghệ An nhận được phản ánh của người dân xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, do ảnh hưởng tình hình mưa lũ sau đợt áp thấp vụ đông năm 2017, nhiều diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản của xã Nam Lĩnh thiệt hại. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An đã trích nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ người dân mua giống khôi phục sản xuất sau đợt áp thấp vụ đông năm 2017.
Tuy nhiên, theo người dân thì trong danh sách những hộ được hỗ trợ có nhiều khuất tất. Người dân cho biết, có những người không có ao hồ, không trực tiếp nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ; có hộ còn kê khống diện tích ao hồ. Đặc biệt, nhiều hộ mặc dù ở xóm này nhưng lại nhận được hỗ trợ với diện tích ao hồ ở xóm khác, trong khi xóm trưởng không được biết, không xác nhận vào danh sách này.
Danh sách người dân đưa ra khá cụ thể, ở xóm 1 có trường hợp ông Hoàng Văn Minh có 500m2 diện tích ao nhưng lại kê khai lên 2.000m2. Ông Minh còn nằm trong danh sách người dân ở xóm 4 được nhận hỗ trợ với diện tích 2.500m2. Tại xóm 7 có ông Nguyễn Đình Thân và ông Nguyễn Văn Định, mặc dù 2 ông này không cư trú trên địa bàn xóm nhưng vẫn kê khai diện tích được hỗ trợ là 15.000m2.
Tại xóm 11, hộ ông Phan Đình Hòa được kê khai 15.000m2 ao, nhưng đây là hồ thủy lợi không nằm trong diện hỗ trợ theo Quyết định 48 của UBND tỉnh.
Đáng chú ý, trong danh sách nhận tiền hỗ trợ do người dân cung cấp còn có bà Đinh Thị Hiền (cán bộ công đoàn xã) bà Trần Thị Xuyên (cán bộ thống kê xã, sống ở xã Nam Giang), 2 người này không có ao nhưng mỗi người được kê khai 10.000m2, mỗi người đã nhận 7 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Lần theo danh sách những hộ được nhận tiền hỗ trợ, phóng viên về xóm 4, xã Nam Lĩnh. Khi nhắc đến sự việc này, ông Trần Hồng Minh - Xóm trưởng xóm 4 bức xúc cho rằng, tôi không ký xác nhận một trường hợp nào trên địa bàn xóm có diện tích ao hồ bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua để được nhận hỗ trợ thiệt hại.
“Theo quy trình thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ phải do người dân kê khai, xóm trưởng xác nhận. Nhưng thực tế thì xóm trưởng như tôi không hề biết sự việc này. Chữ ký trong hồ sơ cũng không phải là của tôi”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cho biết, sau khi người dân phản ánh thì cán bộ thanh tra huyện có đưa hồ sơ về trực tiếp làm việc với ông. Theo hồ sơ, trên địa bàn xóm 4 có 5 người được nhận hỗ trợ diện tích ao hồ bị thiệt hại sau mưa bão nhưng chỉ có 2 người cư trú trên địa bàn xã là bà Nguyên Thị Châu và ông Nguyễn Đình Lâm.
3 trường hợp khác không cư trú trên địa bàn xóm thì ông nhớ được tên 2 người là ông Hoàng Văn Minh (ở xóm 1) và bà Hoàng Thị Quý (ở xóm 3). “Bà Châu có diện tích ao hồ khoảng 8.000m2 thì cho em rể là Hoàng Văn Minh thầu để nuôi trồng thủy sản nhưng cả 2 người này đều được nhận hỗ trợ”.
Kê khống diện tích để nhận hỗ trợ
Ông Phan Xuân Đồng – Chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh cho rằng, việc lập hồ sơ ban đầu về danh sách, kiểm đếm các hộ bị ảnh hưởng do cán bộ phụ trách nông nghiệp xã làm. Khi đưa hồ sơ lên để xác nhận, phía chính quyền cũng tin tưởng vào kết quả cán bộ làm nên không phát hiện được sự việc hồ sơ có nhiều điểm chưa chính xác. “Trong nhiều hồ sơ có việc giả mạo chữ ký của xóm trưởng”, ông Đồng cho biết.
Chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh khẳng định, sự việc chỉ bị phát giác sau khi người dân có đơn tố cáo gửi chính quyền. “Công đoàn xã có thầu diện tích 600m2 nhưng anh Quang đã kê khai lên 2.000m2. Sau khi đoàn thanh tra phát hiện sự việc nên đã yêu cầu tạm dừng chi trả số tiền này. Hiện đoàn thanh tra huyện đang làm việc và dự kiến đến ngày 7/4/2019 sẽ có kết luận chính thức. Trên cơ sở kết luận của đoàn, dựa vào mức độ sai phạm thì sẽ có hình thức kỷ luật đối với cán bộ sai phạm trong việc này”, ông Đồng nói.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lưu Đức Quang - cán bộ nông nghiệp xã Nam Lĩnh thừa nhận: “Quy trình thì phải niêm yết công khai ở nhà văn hóa xóm cho người dân biết, xóm, mặt trận cam kết, ký, nhưng do thời gian không cho phép nên không làm đúng nguyên tắc, mình làm tắt đi cho kịp thời gian. Về việc kê khống diện tích ao của công đoàn, do mình không nắm được số liệu nên có kê lên hơn 1.000m2. Tôi chỉ sai về mặt quy trình chứ không hề có trục lợi cá nhân gì trong vấn đề này”, anh Quang cho biết.
Về việc các xóm trưởng không ký vào hồ sơ, ông Quang cho rằng, những hộ này nhận thầu của xã, xã nắm được diện tích chứ xóm không nắm được nên mình phải làm cho người ta. Về những người không trực tiếp nuôi trồng thủy sản nhưng có tên trong danh sách hỗ trợ, ông Quang cho rằng, đây là những ao của ủy ban, xã giao cho công đoàn làm, thì chủ tịch công đoàn đứng tên. Về trường hợp của ông Phan Đình Hòa, ông Quang cho rằng do không nắm được quy định của tỉnh nên vẫn đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ.
Tìm hiểu của phóng viên, diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản của xã Nam Lĩnh được hỗ trợ là hơn 16 ha, với số tiền hơn 120 triệu đồng cho 88 hộ dân. Hiện nguồn kinh phí này đã được cấp 85%, hơn 110 triệu đồng.
“Hiện vẫn đang còn mấy hộ sai nguyên tắc nên chưa cấp, 4 hộ dân chưa nhận hỗ trợ, 2 ao công đoàn, xã quyết định dừng lại chưa chi trả. Hôm nay, thanh tra huyện đang mời các xóm trưởng lên làm việc để xác minh lại, những hộ không có đăng ký kê khai ban đầu thì huyện sẽ thu hồi lại số tiền hỗ trợ”, ông Quang nói.