bna_vit_59708474_1462021.jpgĐiểm giết mổ gia cầm trên địa bàn xã Liên Thành, huyện Yên Thành trong ngày Tết Đoan Ngọ này chủ yếu là làm thịt vịt. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo phong tục của người Việt, ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) thường có món thịt vịt trong mâm cơm, do vậy, ngày này số lượng vịt được tiêu thụ nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, với Tết Đoan Ngọ năm nay, theo tìm hiểu được biết, lượngvịt thịttrên địa bàn Nghệ An không dồi dào như các năm trước, nhưng giá bán không tăng.

Huyện Yên Thành là địa phương có truyền thống chăn nuôi vịt, nhưng thời điểm này số lượng vịt giảm hẳn. Chị Thủy - chủ trại vịt ở xã Nam Thành cho hay, do thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, trong khi giá vịt thịt không cao, nên chuyển sang nuôi vịt đẻ.
"Nếu nuôi vịt chạy đồng thì có lãi, nhưng đồng ruộng người ta thu hoạch xong, quay sang gieo cấy hè thu ngay nên không có chỗ chăn thả, buộc phải nuôi nhốt bằng thức ăn công nghiệp giá cao, do vậy, giá vịt thịt hiện chỉ có 38.000 đồng/kg là thua lỗ. Chính vì thế, dịp Tết Đoan Ngọ này trại vịt của gia đình không có con vịt thịt nào để bán, kể cả các trại vịt xung quanh cũng vậy, chủ yếu là nuôi vịt đẻ", chị Thủy cho hay.
Ngày Tết Đoan Ngọ, lượng vịt thịt tiêu thụ trên thị trường nhiều hơn ngày thường. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại các điểm giết mổ gia cầm cho thấy, lượng vịt thịt vẫn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Vợ chồng anh Quang Thúy ở xã Liên Thành (Yên Thành) chuyên làm nghề giết mổ gà, vịt cho biết, thời điểm này vịt thịt trên địa bàn Yên Thành giảm hẳn, do thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi đó giá bán vịt lại không tăng, chưa đầy 40.000 đồng/kg, nên người dân ít nuôi. Do vậy, để có vịt cung ứng cho khách hàng thường xuyên trong ngày, anh Quang Thúy phải mua vịt của thương lái vận chuyển từ Bắc vào bằng xe ô tô.

"Vịt từ Bắc vận chuyển vào đây bán với giá trên 40.000 đồng/kg để phục vụ khách, vì vịt trên địa địa bàn không có nhiều. Ngày Tết Đoan Ngọ này, dự kiến vợ chồng sẽ cung ứng cho khách hàng trăm con vịt. Tuy nhiên, giá bán vẫn giữ nguyên 70.000 đồng/kg thịt", anh Quang chia sẻ. 

Từ sáng sớm nay, người dân huyện Quỳnh Lưu mua bán vịt tại các chợ quê. Ảnh: Việt Hùng

Tại huyện Quỳnh Lưu, thời điểm này, vịt thịt cũng không có nhiều.

Theo tìm hiểu tại các hộ chăn nuôi vịt ở huyện Quỳnh Lưu, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến nhiều hộ không dám đầu tư mà chỉ duy trì số lượng vịt nuôi ít để sinh sản. Còn đối với các hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên đang cố bám trụ để giữ đầu mối, thị trường, dù giá thức ăn leo thang. Do vậy, thời điểm này, tổng đàn vịt thịt ở Quỳnh Lưu còn khá nhiều, ước tính khoảng gần 10.000 con.
Khách hàng đến mua vịt thịt tại các điểm giết mổ gia cầm. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Nguyễn Văn Tùng, hộ chăn nuôi vịt ở xã Quỳnh Yên cho biết: “Thức ăn tăng giá, người chăn nuôi chúng tôi gặp khó. Nếu không chăn nuôi thì xem như thất bại vì mất khách hàng nên chấp nhận duy trì chăn nuôi. Hiện nay, giá vịt thịt xuất bán với giá 36.000 đồng/kg là thấp, hy vọng trong ngày Tết Đoan Ngọ sẽ bán được số lượng lớn để bù lại công chăm sóc và đầu tư tù trước đến nay”.

Để phục vụ nhu cầu người dân, các điểm giết mổ gia cầm tại các địa phương trên địa bàn Nghệ An luôn bận bịu phục vụ khách hàng đến đặt mua vịt. Tại đây, vịt được làm thịt sẵn, khách mua về chỉ việc chế biến thành những món ăn ưa thích trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường thực phẩm khá ảm đạm, trong đó có cả thịt vịt.