Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã đạt từ cách đây 2 năm. Đến nay, toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 61,48% số xã, cao hơn bình quân cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
Đây là một kết quả nổi bật thể hiên sự nỗ lực quyết tâm xây dựng NTM của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở.
Trong hơn 10 năn xây dựng NTM, đặc biệt là trong nhiệm kỳ qua (2015-2019), chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt nhiều thành tựu.
Việc huy động nguồn lực được quan tâm sát sao và vào cuộc tích cực. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 đạt trên 16.837 tỷ đồng (trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân là 2.706 tỷ đồng, chiếm 16,1%).
Giao thông thôn bản, liên xã, liên xóm thay đổi hẳn diện mạo. Giai đoạn 2016-2019, Nghệ An đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 6.276 km đường giao thông nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 285/431 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt 66,13%).
Việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập là mấu chốt được quan tâm chú trọng. Một số mô hình có hiệu quả cao như: Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong; chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, mô hình nuôi cá leo tại Con Cuông, nuôi cá vược tại Cửa Lò, nuôi tôm trên ruộng lúa ở Thanh Chương, trồng thanh long ruột đỏ ở Con Cuông, Tân Kỳ, trồng dưa lưới ở TP Vinh, Quỳnh Lưu, Yên Thành... ; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện nay đạt trên 22,6 triệu đồng/người/năm (năm 2015 là 19,6 triệu đồng).
Nghệ An có nhiều cách làm hay, sáng tạo về xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã có cách làm sáng tạo, tập trung xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở địa bàn miền núi, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Hiện thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Yên Thành đang hoàn thiện hồ sơ để trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ thay đổi về diện mạo, hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên. Môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh, trật tự được giữ vững hơn trước.
Toàn tỉnh có 674 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới Việt - Lào theo Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.