Người Thái từ xưa đã có tục "trộm vợ" (chứ không phải là "bắt vợ" hay "cướp vợ" mà một số người khác, có cả người Thái, vẫn lầm tưởng). Luật tục bản mường quy định một cách bất thành văn, cho nên thời xưa có người vẫn cứ đi bắt con gái nhà khác về làm vợ. Thỉnh thoảng, trai bản vẫn được nghe người già kể lại, rằng ông Xang ở bản bên đi "bắt trộm" vợ về cách đây đã hơn 50 năm, đầu đã bạc, răng đã long mà vẫn cháu con đầy nhà, sống vui vẻ hạnh phúc; rằng cả vợ chồng ông bà Tưa ở bản trên cũng thế!... Có lẽ thời các già ngày xưa thì "cũng thế", chứ như mấy trường hợp vừa mới xảy ra và được nêu ở đây thì không như thế!

 Chuyện 'bắt vợ' thời nay ở quê tôi ảnh 1

 Đoàn diễu hành dân tộc Thái với điệu múa xòe quạt duyên dáng, uyển chuyển

Anh Q. ở xã N. đã thầm thương trộm nhớ cô bé H. từ khi H. mới được 16 tuổi. Mấy lần Q. bàn bố mẹ sang nhà để dạm hỏi, nhưng ngặt một nỗi H. hiện đang là một học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện, H. lại còn có ý định sau khi tốt nghiệp sẽ đi học tiếp để trở về làm y tá bản. Biết chờ đợi đến bao giờ? Vậy là Q. nảy ra ý định rủ thêm bạn bè đi đến trường học để "bắt trộm" H. về làm vợ. Đến giờ giải lao, H. đang chơi vui cùng các bạn thì nghe nói có người nhắn ra cổng trường để gặp. Còn đang ngơ ngác tìm người quen thì H. chợt thấy hai thanh niên đến cầm tay mình kéo đi. Rất nhanh, H. hiểu ra sự việc liền kêu lên gọi bạn bè và thầy giáo ra "giải cứu". Vậy là việc "bắt trộm" H. không thành, "chàng rể hụt" cùng bạn bè nhảy lên xe máy trở về nhà. Sau sự việc này, Ban Giám hiệu nhà trường đã có cuộc họp rút kinh nghiệm để phòng ngừa những trường hợp tương tự có thể xảy ra, đồng thời kết hợp với chính quyền các xã và già làng trưởng bản để tăng cường tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình... Thế mới biết, ranh giới giữa một cô y tá bản tương lai và một người vợ cam chịu có lúc cũng thật là mong manh.

Trường hợp được nhắc tiếp theo đây thì không "như thế"! Hai em học sinh lớp 12 đang trên đường đi học về thì một em bị "bắt trộm". Không thể làm sao được, "cô dâu tương lai" đề nghị phải cho cô bạn học cùng theo đến nhà "chàng rể" cho có bạn có bè- đúng theo luật tục. Về đến nhà trai, cô dâu lấy lý do không có váy áo để thay, xin phép được cùng bạn gái và chàng rể quay về nhà để lấy. Về đến nửa đường, hai cô nhổ cọc rào "khống chế" chàng rể một cách "nhẹ nhàng" để tìm về với tự do. Mọi việc phức tạp tiếp theo đó được hai gia đình giải quyết khá ổn thoả, nhưng tất nhiên là cuộc hôn nhân đó không thành...

Không loại trừ trường hợp ở một nơi nào đó, những cuộc "bắt trộm" vợ- hay nói đúng hơn là sự lợi dụng luật tục của cộng đồng để vi phạm luật hôn nhân gia đình của Nhà nước vẫn được tiến hành trót lọt. Tục "trộm vợ" của người Thái còn mãi trong cộng đồng với những nét đẹp của nó, nhưng việc "bắt trộm" thì chắc chắn ngày càng bị thui chột đi, một phần do pháp luật của Nhà nước không cho phép, một phần do được học hành làm cho các cô gái cũng nhận thức được quyền tự do yêu đương, quyền lựa chọn hôn nhân và bảo vệ hạnh phúc của bản thân mình. Các già làng trưởng bản ở quê tôi đang bàn nhau cụ thể hoá luật tục bằng văn bản cụ thể, nhằm làm cho luật tục của bản mường thực sự nằm trong phạm vi pháp luật của Nhà nước. Còn thanh niên trong bản chúng tôi mỗi khi nhìn các cô học sinh xinh đẹp cắp sách tới trường nội trú, dù vẫn mong có một ngày sẽ được hát giao duyên với họ bên sàn "hạn huồng", hẳn chẳng còn mấy ai tơ tưởng đến chuyện "bắt trộm" các cô đem về nhà làm vợ...v

                       SẦM VĂN BÌNH

                 (Yên Luốm, Châu Quang- Qùy Hợp)