Đây là định hướng hết sức quan trọng nhằm phát triển nhanh, bền vững, thực hiện mục tiêu đưa Nghệ An sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Quy mô tăng nhưng thiếu đột phá
Khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp đối với quá trình phát triển của tỉnh, từ cách đây 10 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 4/11/2011 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 06.
Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hóa cho biết: Trong vòng 1 thập kỷ, quy mô sản xuất ngành công nghiệp tỉnh tăng nhanh, giá trị sản xuất tăng hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010, từ 16.814 tỷ đồng lên 69.304 tỷ đồng năm 2020. Cơ cấu nội ngành có chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm dần công nghiệp khai khoáng.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo mặt bằng thuận lợi thu hút các dự án đăng ký đầu tư. Việc thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 06 đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh; hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, quá trình áp dụng đã được thường xuyên bổ sung, sửa đổi phù hợp góp phần khuyến khích, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng nhận định: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù cao hơn mức bình quân chung cả nước song vẫn thiếu ổn định, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - xây dựng chậm, đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết, mới chỉ đạt 29,8%/mục tiêu 39 - 40%. Đặc biệt, Nghệ An chưa thu hút được các dự án quy mô lớn để kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh.
Lũy kế đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 23.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó 13.220 doanh nghiệp hoạt động (xếp thứ 9 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ). Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho biết tại cuộc làm việc, doanh nghiệp trong tỉnh cơ bản chưa tập trung nhiều để phát triển công nghiệp, mà phần lớn phải dựa vào nhà đầu tư bên ngoài. Trong khi đó, giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết số 06 một số dự án có mức đầu tư tỷ USD lại không thực hiện, chỉ đến năm 2020, tỉnh mới thu hút được dự án 100 triệu USD. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến công nghiệp tỉnh thiếu đột phá.
Tư duy tiếp cận, cách làm mới
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghệ An đang có quyết tâm mạnh mẽ để thay đổi cục diện, trong đó phát triển công nghiệp vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, chiến lược, phương hướng phát triển công nghiệp có những thay đổi căn bản khi tỉnh tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; quyết tâm tạo đột phát trong thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghệ cao nhằm tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế và tăng thu ngân sách.
Để “lót ổ” thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đã có một loạt các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn của tỉnh trong mắt nhà đầu tư, cũng như có các chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng cho phát triển công nghiệp.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Về nội dung này, tại phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết cần thể hiện được định hướng phát triển rất quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dựa trên công nghệ mới, hiện đại; quan tâm định hướng phát triển công nghiệp, công nghệ gắn liền với số hóa; xây dựng các chính sách ưu tiên trong phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xử lý rác thải, nước thải; đào tạo nguồn nhân lực… để tạo nền tảng, tiền đề, bản lề thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư và phát triển công nghiệp.
Đặc biệt, với quan điểm không thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bằng mọi giá để phải trả giá bằng môi trường, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ cần hạn chế tối đa phát triển công nghiệp xi măng, nhiệt điện, thủy điện, khai khoáng; thay vào đó là phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng mới, chế biến nông, lâm thủy, hải sản, năng lượng tái tạo…
Cùng với đó Nghệ An đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 thay thế Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND, ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh do một số nội dung không phù hợp với thực tiễn thu hút đầu tư của tỉnh cũng như một số quy định hiện hành. Tỉnh cũng sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên đến 80.000 ha gấp gần 4 lần so với hiện nay, trong đó bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển; trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; đồng thờitrình Chính phủ bổ sung Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Tháng 11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã bàn các giải pháp huy động, bố trí nguồn vốn để xây dựng và hoàn thiện các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là Cảng nước sâu Cửa Lò; xây dựng đường băng số 2 Sân bay Vinh. Đây là những hạ tầng trọng yếu nếu hoàn thành sớm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thu hút đầu tư vào tỉnh. Nghệ An cũng quyết tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số mạnh mẽ nền hành chính - công vụ để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.