Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, “Tất cả cho Điện Biên Phủ chiến thắng”, nhân dân Nghệ An hăng hái thi đua sản xuất. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đến tháng 2/1954, bà con đã nhập kho 1.460 tấn thóc phơi khô, quạt sạch. Đây thực sự là một nỗ lực lớn trong bối cảnh kẻ địch ném bom, bắn phá, đánh sập các đập nước và hệ thống nông giang lớn nhỏ, phá hỏng nhiều kho tàng, bến bãi... gây thiệt hại lớn cho hậu phương về người và của.

nghe-an-trong-chien-thang-dien-bien-phu-lich-su-hinh-anh-1.jpgKéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên sức người, sức của cho tiền tuyến, Nghệ An đã bổ sung lực lượng cho các đơn vị bộ đội chủ lực. 5.438 thanh niên từ các huyện, xã trong tỉnh được khám tuyển xong đúng thời hạn quy định, hăng hái nhập ngũ lên đường tham gia chiến đấu trên các mặt trận. Nhiều địa phương khám tuyển đều vượt chỉ tiêu trên giao.
Nhằm dốc sức phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP Nghệ An có mặt trực tiếp tại chiến trường, đảm bảo giao thông, phục vụ hỏa tuyến ở những trọng điểm từ Mộc Châu đến Điện Biên. Trên mặt trận tiếp tế vận tải, hàng vạn dân công và TNXP Nghệ An cùng sát cánh với quân dân cả nước vượt qua đèo cao, suối sâu và bom đạn quân thù tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội.
Ngày 7/5/1954, Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm De Castries. Ảnh: Tư liệu.

Từ tháng 1/1954, những cuộc oanh tạc tại các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt. Bất chấp hiểm nguy, TNXP Nghệ An với khẩu hiệu: “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, cứ sau mỗi trận địch ném bom, tất cả cán bộ, đội viên lại xông ra mặt đường để san lấp hố bom, hàn gắn đường, đảm bảo cho các đoàn xe cơ giới hành quân. Khi những vùng trọng điểm bị đánh, cơ giới tạm dừng, thì xe thồ, gồng gánh, thuyền bè… lại phát huy tác dụng.

Cùng với TNXP, lực lượng dân công Nghệ An cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển từ hậu phương lên tiền tuyến. Chỉ mấy tháng đầu năm 1954, Nghệ An có 155.974 lượt dân công phục vụ tiền tuyến. Ngoài số dân công phục vụ ở chiến trường Lào gần 24.400 người và 146.000 xe đạp thồ, số dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ là trên 30.000 lượt người và 3.700 lượt xe đạp thồ.
Trong số 15 cán bộ, chiến sỹ được Quốc hội tuyên dương Anh hùng LLVTND trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì Nghệ An vinh dự có 3 người là Liệt sỹ Trần Can (có thành tích kiên cường bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa trên điểm cao 507), Phan Tư (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội phá thác trên sông Nậm Na, bảo đảm vận chuyển vũ khí) và Đặng Đình Hồ (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội mở cửa đánh vào đồi C, nổi tiếng với lối đánh nhanh như sóc, mạnh như hổ và thọc sâu chia cắt của anh làm cho địch khiếp sợ). Đây chỉ là 3 người con trong tổng số hàng ngàn người con xứ Nghệ anh dũng kiên cường, hăng hái tham gia đánh địch trên nhiều phương diện góp phần công sức không nhỏ cho chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn công tác Báo Nghệ An hành hương về mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh tư liệu
Để chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, rất nhiều người con quê hương Nghệ An đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Riêng Thành phố Vinh có 678 chiến sỹ mãi mãi nằm lại chiến trường Điện Biên...
Nhìn lại đóng góp của mình đối với chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về vai trò xứng đáng của mình vào sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là những di sản vô giá, là hành trang để các thế hệ người Nghệ An hôm nay và mai sau trân quí gìn giữ, phát huy và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Một góc Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu
66 năm qua, âm hưởng, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Phát huy tinh thần chiến thắng ấy, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đang ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh không ngừng phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào: Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên; Chỉ số PCI năm 2019 đạt cao nhất từ trước đến nay, vươn lên đứng đầu Bắc Trung Bộ, công cuộc xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả, bền vững.... Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tốt.
Phát huy truyền thống vẻ vang mà các thế hệ ông cha đã tạo dựng, các thế hệ con cháu Nghệ An hôm nay càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình với lịch sử, với quê hương; Đoàn kết, đồng lòng khai thác và phát huy tích cực các nguồn lực để sớm đưa Nghệ An trở thành một “tỉnh khá” của đất nước như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn...