Nhiều giải pháp tăng cường kết nối
Nghệ An hiện có 157 làng nghề, 690 hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Xác định phát triển thị trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy sản xuất, tiếp tục đổi mới và phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương với các tỉnh, thành gắn với định hướng phát triển và khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Đây là năm thứ 3 Nghệ An tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa. Trong 2 năm 2016, 2017, tại các Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa đã có hơn 50 mặt hàng của hơn 30 đơn vị đến từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề, trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày. Tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn tham gia hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố gồm TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Tây Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam.
Thông qua các hội nghị, đến nay đã có 190 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết, từ đó đã hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Các chương trình giao thương, kết nối cung cầu và các hoạt động phát triển thị trường trong nước đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường của mình.
Giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”
Tại hội nghị, tham luận của một số đại biểu đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết nối cung - cầu. Đó là:Quy mô sản xuất của nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản của Nghệ An còn hạn chế, do vậy, việc đáp ứng các đơn đặt hàng lớn tại nhiều thời điểm chưa kịp thời. Nghệ An còn thiếu những doanh nghiệp đầu mối thu mua, mua gom hàng hóa cho bà con nông dân, các cơ sở sản xuất nên phần nào hạn chế việc tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh qua hoạt động kết nối, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của tỉnh bước đầu đã được tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại, nắm bắt được xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp hơn.
Trong thời gian tới, để hoạt động giao thương, kết nối cung - cầu trở thành hoạt động thường xuyên và đạt kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hàng năm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu và các hoạt động giao thương tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiến tới tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu theo mô hình chuyên sâu từng lĩnh vực, ngành nghề kết hợp nhiều sự kiện, hoạt động phong phú, đa dạng. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã.... phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các sản phẩm để hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu để kết nối đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, hướng tới xuất khẩu.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ trao 86 biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ giữa các nhà phân phối và các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh.