(Baonghean.vn) – Hội nghị kết nối cung cầu là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa kép kín.
Chiều 1/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Xuân Đại – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức “Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa Nghệ An 2017”.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam; Lãnh đạo sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Nghệ An hiện có 157 làng nghề, 647 hợp tác xã và hơn 8.500 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại mẫu mã, độc đáo, thu hút khách du lịch. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Nghệ An với doanh nghiệp Hà Nội, Hưng Yên, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Đến nay, một số sản phẩm như: Tinh bột nghệ Hoa Sơn, tương Nam Đàn, cam Vinh Kỳ Yến, nước mắm Vạn Phần Diễn Châu, miến dong Nam Đàn, lươn thành phẩm đã đi vào các hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị Vinmart, Siêu thị Tứ Sơn An Giang, các nhà phân phối ở chợ Hàn Đà Nẵng, hệ thống Siêu thị Intimex, hệ thống các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh...
Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất bước đầu đã được tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại, đã nắm bắt được xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó thay đổi chiến lượng kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp hơn.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lập – Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết: Để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sạch, ngành nông nghiệp Nghệ An đã tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời xây dựng và chuyển giao các quy trình sản xuất an toàn như VietGap, Oganic với diện tích 425 ha diện tích rau. Có 58 nhóm với 1.179 hộ của 21 xã tại các huyện: Diễn Châu, Đô Lượng, Nam Đàn, Nghi Lộc chăn nuôi trên 23 ngàn con lợn và hàng chục ngàn con gà theo tiêu chuẩn VietGap.
Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho rằng Nghệ An có nhiều đặc sản, HTX nhiều nhưng việc kết nối thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Cùng với việc sản xuất các sản phẩm đảm bảo VSATTP, cần thúc đẩy liên kết ngang, doanh nghiệp cùng liên kết với người dân...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại nhấn mạnh: Để kết nối cung - cầu trở thành hoạt động thường xuyên và đạt kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu, thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất - lưu thông - phân phối.
Bên cạnh đó, cần quan tâm giải pháp tạo chuỗi giá trị hàng hóa kép kín; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối một cách đồng bộ, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết, trao các biên bản ghi nhớ giữa các nhà phân phối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.
Thu Huyền