Tỷ suất đầu tư bình quân của dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đạt khoảng 107,67 tỷ đồng/ha (tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng/ tổng diện tích đất cho thuê 107,85ha đối với 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
Lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: Hiện tại, VSIP Nghệ An đang đi đến giai đoạn đàm phán với một số nhà đầu tư trên diện tích khoảng 16,44ha đất Khu Công nghiệp giai đoạn 1 và khoảng 40ha đất KCN giai đoạn 2, dự kiến ký kết thỏa thuận thuê đất vào quý 4/2021 năm nay, từ đó nâng tỷ lệ lấp đầy lên tới khoảng 71% vào cuối năm 2021.
Tìm hiểu được biết, hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hồng Kông, Singapore, Đài Loan có nhu cầu thuê đất diện tích lớn tại VSIP Nghệ An (từ 30ha - 60ha) như: Luxshare ICT tìm hiểu đầu tư 50ha, SIS (Nhà đầu tư phát triển hạ tầng Sembcorp – Singapore) tìm hiểu 7ha, Yuen Foong Yu (nhà đầu tư phát triển về đóng gói) từ Đài Loan đang tìm hiểu 7ha và một số nhà đầu tư công nghệ kỹ thuật cao cũng đã nhiều lần đến tìm hiểu đầu tư tại Khu CN VSIP Nghệ An giai đoạn 2.
Với tổng diện tích 1.850 ha sau khi hoàn thành, Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An là Khu công nghiệp lớn với hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Nằm trong Khu kinh tế Đông Nam với các chính sách ưu đãi đặc biệt, Khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An giai đoạn 1, diện tích 498 ha có hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn cùng với các dự án khu dân cư và thương mại.
Báo cáo của Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Khu công nghiệp VSIP cấp phép 8 dự án; Khu công nghiệp WHA cấp phép 7 dự án; KCN Hoàng Mai I đang làm thủ tục đầu tư 1 dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách và chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy trong khu CN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành xây dựng cũng như sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cũng phải chi nhiều kinh phí cho hoạt động phòng dịch; khó tuyển dụng lao động trong khi hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động vẫn còn khó tiếp cận.
Trước tình hình khó khăn trên, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực để kịp thời nắm bắt các khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Khẩn trương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Rà soát số lao động trở về tỉnh Nghệ An từ các địa phương phía Bắc, phía Nam để tư vấn, đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.
Tổng số doanh nghiệp hoạt động tại các doanh nghiệp là 130 doanh nghiệp và 49 nhà thầu, đơn vị dịch vụ đang hoạt động trong KKT, các KCN của tỉnh. Kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2020: doanh thu 35.114 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.811 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2021: doanh thu 18.794 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.027 tỷ đồng.