Niềm vui từ những mô hình
Ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trường Sơn (xóm Trung Sơn cũ) được nhiều người biết đến là tấm gương nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế hộ. Năm 2018, chị Hương vay vốn thoát nghèo 50 triệu đồng để mua bò. Năm 2019, có chủ trương nâng hạn mức, chị vay thêm 50 triệu đồng để mua 2 con trâu.
Chị Hương cho biết: Con bò được mua từ vốn vay ngân hàng đã đẻ 3 lứa, sau đó, gia đình bán bê để đầu tư trang trại nuôi lợn. Hiện nay, ngoài 10 con lợn nái, trong chuồng nuôi của gia đình thường xuyên có 60 - 70 con lợn thịt. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô khép kín, kinh tế phát triển, cho thu nhập khá, có điều kiện để nuôi 3 con ăn học đến nơi đến chốn.
bna_a15951713_2692020.jpgTừ vốn vay NHCSXH, gia đình anh chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trường Sơn, xã Thanh Mai (Thanh Chương) vay mua trâu, bò phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Huyền

Chị Trần Thị Nhự - Tổ trưởng Tổ vay vốn xóm Trường Sơn, là người có thâm niên gần 18 năm gắn bó với Ngân hàng CSXH, làm cầu nối cho người nghèo, đối tượng chính sách với ngân hàng cho biết: Hiện nay tổ có 44 hội viên đang vay vốn với dư nợ hơn 3 tỷ đồng. Riêng chương trình nâng hạn mức có 6 hộ với dư nợ 600 triệu đồng. Nhìn chung các hộ vay vốn trên địa bàn đều phát huy hiệu quả đồng vốn, phát triển kinh tế tốt. Ngoài chăn nuôi, bà con vay vốn trồng chè, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Rời xóm Trường Sơn, theo chân cán bộ ngân hàng huyện, chúng tôi vào vùng Đá Bia, xã Thanh Mai. Đây là vùng đất khó khăn được hưởng Chính sách 135, là vùng kinh tế mới của xã. Gia đình chị Phạm Thị Xuân ở xóm Đá Bia, thuộc đối tượng cận nghèo của xã Thanh Mai.

Trang trại chăn nuôi của gia đình chị Phạm Thị Xuân ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, Thanh Chương. Ảnh: Thu Huyền
Năm 2018, chị vay Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để mua bò và năm 2020 chị được vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư nuôi 20 con dê sinh sản, 3 con lợn nái rừng. Hiện nay đàn dê sinh trưởng tốt, có 16 dê nái sắp đẻ. Đối với lợn rừng, đã sinh sản 20 con, gia đình đang chăm sóc đảm bảo phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. 
Chị Xuân cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi có điều kiện tiếp cận vốn vay với thời hạn dài, lãi suất ưu đãi, được hướng dẫn cách đầu tư chăn nuôi sinh lợi. Hiện nay, từ chăn nuôi lợn, gà, dê cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, ngoài ra, gia đình còn trồng chè. Vợ chồng đang có kế hoạch xây dựng chuồng trại để mở rộng chăn nuôi, do đó, rất mong ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Chúng tôi biết ơn và trân trọng những đồng vốn của Ngân hàng CSXH, giúp những người dân nghèo như chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”. 
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương và UBND xã Thanh Mai thăm vườn chè của gia đình chị Phạm Thị Xuân. Ảnh: Thu Huyền

Ở huyện Thanh Chương, không chỉ vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng chè, người dân còn đầu tư trồng rừng hiệu quả. Chị Trần Thị Xuyên ở xóm 3, xã Thanh Thủy cho hay: Đồi Gia Lửa nằm sát biên giới nước bạn Lào trước đây vốn là đồi trọc, bố chồng chị khai hoang và sau này vợ chồng chị tiếp quản.

Thời gian trước đây, gia đình chỉ khoanh nuôi, bảo vệ. Năm 2013, từ 190 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH, vợ chồng chị trồng rừng. Chỉ sau 5 năm rừng cây phát triển, cho thu hoạch, mỗi ha thu về 50 triệu đồng; có tiền, tôi trả nợ ngân hàng đầy đủ và tiếp tục đầu tư trồng keo phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học. Cả gia đình yên tâm tập trung bảo vệ rừng và giữ đất biên cương.

Chính sách mới tiếp sức hộ nghèo
Ngay sau khi Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Đối với thời hạn cho vay, Ngân hàng CSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng, theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.
Người dân xã Thanh Thủy (Thanh Chương) phát triển kinh tế rừng nhờ vốn vay ngân hàng. Ảnh: Thu Huyền

Chị Trần Thị Mai Hạnh - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã tham mưu cho trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị nhận ủy thác cấp huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát các đối tượng đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn nâng mức đối với 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Đơn vị đã họp giao ban với 4 đơn vị nhận ủy thác cấp huyện (hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên) thống nhất phối hợp triển khai chỉ đạo các đơn vị cấp xã thực hiện công tác rà soát, lập danh sách những hộ có đúng đối tượng, có nhu cầu  gửi lên Ngân hàng CSXH huyện. Quá trình cho vay được thẩm định chặt chẽ, đánh giá hợp tình, hợp lý và hiệu quả của dự án người vay đề xuất để vay vốn.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều gia đình đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Thu Huyền

Thời gian đầu triển khai, một số hộ vay có nhu cầu chưa nắm được thông tin cụ thể về cho vay nâng mức, một số tổ trưởng chưa hiểu rõ về cho vay nâng mức, tâm lý e ngại khi cho các hộ nghèo, cận nghèo... vay số tiền lớn sẽ khó khăn trong việc thu nợ... vì thế, rất ít hộ được tiếp cận để vay thêm. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng CSXH huyện triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, các hộ vay đã phấn khởi tiếp nhận chủ trương này, số hộ xin vay nâng mức để phát triển kinh tế nhiều thêm. Một số xã như Thanh Hà, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Lâm... thực hiện cho vay nâng mức tốt.

Đến nay, rất nhiều địa phương ở Nghệ An cho vay nâng hạn mức hiệu quả. Điển hình như các huyện: Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Con Cuông... Riêng tại huyện Thanh Chương, kết quả cho vay nâng mức đến ngày 31/8/2020 đã cho vay mới 428 món với số tiền 39.947 triệu đồng; cho vay nâng mức 259 món với số tiền cho vay thêm là 12.375 triệu đồng, dư nợ sau cho vay là 24.030 triệu đồng. Tổng số hộ cho vay là 687 hộ với số tiền 64.699 triệu đồng, số dư sau cho vay là 63.977 triệu đồng. Có 462 hộ có mức vay tối đa 100 triệu đồng với số tiền 46.200 triệu đồng.

Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng CSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng, miền. Đây là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An tiếp tục cho vay nâng mức cho các đối tượng được thụ hưởng theo CV 866 có nhu cầu sử dụng vốn vay lên đến 100 triệu đồng.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH Nghệ An