(Baonghean) - Ngập lũ trên địa bàn Nghệ An vẫn diễn ra phức tạp khi mưa vẫn diễn ra, cùng đó, một số hồ thủy điện xả lũ. Trong khó khăn chung đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với người dân tích cực ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
» Hàng nghìn học sinh Nghệ An phải nghỉ học vì ngập lụt
» Lắp 3 máy bơm khủng chống ngập chợ Vinh
Nhiều diện tích vụ đông ngập úng
Mưa to liên tiếp những ngày qua đã khiến nhiều diện tích rau màu, cây trồng vụ đông ở một số địa phương bị ngập úng, hư hỏng. Trước mắt các địa phương tập trung các giải pháp tiêu úng kịp thời và sẵn sàng các phương án bổ cứu sản xuất. Tại Diễn Châu, mưa lớn liên tục đã làm ngập gần 1.000 ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là cây ngô trên đất màu với gần 600 ha; 200 ha lạc; đặc biệt, gần 30 ha dưa leo lần đầu đưa vào trồng tại các xã Diễn Lâm, Diễn Cát, Diễn An… theo dạng liên kết với doanh nghiệp đã bị ngập và gần như mất trắng.
Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Diện tích ngô bị mất chủ yếu nằm dọc các xã ven biển, có nhiều trà từ 7- 8 lá và sắp ra bắp, do bị ngập sâu kéo dài nên khả năng rất lớn khi nắng lên sẽ bị héo rũ và chết; sau mưa sẽ phải phá bỏ và chuyển sang trồng các loại rau màu. Những diện tích dưa leo thiệt hại nhẹ sẽ chờ nắng lên tập trung chăm sóc, đắp lại phần đất rễ bị xói, phục hồi rễ…”.
Hầu hết các xã vùng sâu trũng của Nghi Lộc đã bị ngập úng và chia cắt do mưa lũ. Trên địa bàn huyện có gần 190ha lạc đông bị ngập nước, 350 ha rau màu ngập úng thiệt hại. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, ông Nguyễn Văn Quang, thiệt hại nặng nề nhất là 160 ha tôm chuẩn bị thu hoạch tại các xã Nghi Hợp, Nghi Thái, Nghi Quang… bị tràn toàn bộ. "Việc tiêu thoát nước của Nghi Lộc hiện phụ thuộc vào đầu ra của Sông Cấm.
Trước mắt, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung khơi thông cống rãnh, chờ nước tiêu thoát để trồng lại rau màu, chăm sóc những diện tích lạc thiệt hại nhẹ để lấy giống cho vụ xuân năm sau. Riêng diện tích ngô bị mất, do đã hết thời vụ nên nắng lên sẽ chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác”- ông Nguyễn Văn Quang cho hay.
Ngập lụt “kỷ lục” khiến vùng rau màu và cây cảnh tại các xã ngoại thành Vinh như Nghi Ân, Hưng Đông bị thiệt hại nặng nề. Một số vùng rau bị “xóa sổ”. Đến trưa 11/10, nhiều vùng rau vẫn ngập trong nước. Chị Hiền, xóm Vinh Xuân, xã Hưng Đông (TP. Vinh) cho biết: “Nhà tôi trồng 3 sào cải xúp, khoảng vài ngày nữa thu hoạch nhưng giờ đã bị mưa dập tơi tả, mất trắng hơn 6 triệu đồng…”.
Còn tại huyện Tân Kỳ, 103 hồ đập đã đầy nước, các vùng bãi ven sông trồng ngô, mía đều bị ngập. Nhiều xóm, xã bị chia cắt và hiện tại trên địa bàn vẫn có mưa, nước sông tiếp tục dâng, nhiều hộ dân ngập sâu, cấp ủy chính quyền địa phương đang di dời người dân đến nơi an toàn... Ở TX. Thái Hòa, đến trưa 11/10, nước dâng cao khiến hàng trăm hộ dân thuộc phường Long Sơn, Hòa Hiếu, Quang Phong... ngập sâu trong nước, có nơi ngập sâu 5 đến 7m, chính quyền địa phương buộc phải di dời.
Nhiều khối, xóm bị nước dâng cao cô lập hòan toàn. 100% hồ, đập trên địa bàn cũng đầy tràn nước. Mực nước sông Hiếu từ thượng nguồn đổ về đang dâng lên. 200 ha rau màu các loại bị hư hỏng, trên 100ha mía vùng bãi ven sông Hiếu đã bị chìm dưới nước.
Lũ hạ nguồn sông Lam đang lên nhanh, hàng trăm hộ dân sống phía ngoài đê Tả Lam thuộc các xã của huyện Hưng Nguyên như: Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Lam... đang tìm cách di chuyển tài sản, gia súc đến nơi an toàn. Hầu hết các gia đình ở đây đều có thuyền và có những kinh nghiệm trong tránh lũ nên việc di dời tài sản được tiến hành khẩn trương. Theo một số người dân, khả năng nước lũ hạ nguồn sẽ tiếp tục dâng trong những ngày tới.
16h ngày 10/10, UBND tỉnh có Công điện khẩn số: 19 /CĐ.UBND yêu cầu các địa phương, đơn vị, các sở, ngành, lực lượng vũ trang theo dõi sát tình hình thời tiết, mưa lũ, thông tin kịp thời để nhân dân biết và phòng tránh. Đồng thời ứng trực 24/24h, có các giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống người dân vùng thiệt hại. |
Trên địa bàn huyện Thanh Chương đến cuối ngày 11/10 có 4 nhà bị sập, hư hỏng nặng do lở đất; 15 nhà dân, 23 chuồng trại bị ngập; 364 m bờ rào: 250 m kênh mương bị sập đổ, trôi 120 cống nội đồng. Hơn 539 ha cây màu vụ đông và cây ăn quả bị ngập úng; 277 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập; 204 con gia súc 2.210 con gia cầm bị chết...
Một số địa phương ở vùng Bích Hào giáp với tỉnh Hà Tĩnh như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Mai bị thiệt hại nặng nề. Các địa phương đã huy động lực lượng thanh niên chốt chặn, hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập lụt. Các xã vùng tái định cư như Ngọc Lâm, Thanh Sơn đều bị lũ quét... Tổng thiệt hại ước tính trên 5,5 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện đã thành lập các đoàn xuống các địa phương bị thiệt hại nặng chỉ đạo khắc phục hậu quả; hỗ trợ kịp thời các hộ bị thiệt hại.
Mưa tiếp tục diễn ra cùng với một số hồ thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt ở một số huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn… Ở một số huyện xảy ra tình trạng sạt lở núi kéo theo làm sập nhà dân, trong hoàn cảnh đó, bộ đội biên phòng đã kịp thời cứu giúp 3 gia đình ở bản Na Loi, xã Na Loi khỏi bị sụp đổ. Đáng buồn, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm trường hợp anh Võ Văn Thư (35 tuổi) ở xóm 10, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương bị chết do mưa lũ. Như vậy, đến 19h ngày 11/10, mưa lũ đã làm 8 người trên địa bàn tỉnh bị chết (ở các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, thị xã Hoàng Mai, Đô Lương và Nam Đàn).
Chính quyền các cấp đang chung tay khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho người dân. Ở Huyện Quỳ Hợp, 4 nhà bị hư hỏng; 171 nhà bị ngập sâu 1 m. 85 ha lúa, 198,5 ha rau màu, 78 ha nuôi trồng thủy sản, 100 ha cây trồng bị ngập. Nhiều trục đường xã, thôn xóm hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại 9.721 triệu đồng.
Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, huyện đang tiếp tục huy động lực lượng 4 tại chỗ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đồng thời thăm hỏi hỗ trợ các gia đình có người bị chết do mưa lũ. Còn ở huyện Quỳnh Lưu, có khoảng 1.100 nhà dân bị ngập sâu, nước tràn vào nhà và buộc phải di dời người, đồ đạc; hàng trăm ha rau màu và nhiều công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng nặng. Ngày 11/10, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục lũ lụt tại các địa phương.
Hệ thống giao thông hư hỏng nặng
Trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xuất hiện các điểm sạt lở làm cho khung cảnh “tan hoang”, giao thông một số nơi bị chia cắt. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương đang tích cực khắc phục sự cố "nối lại" giao thông.
Trong đợt mưa lũ này, Rú Nguộc trên quốc lộ 46 tiếp tục lở hàng trăm m3 đất đá làm ảnh hưởng đến ATGT, chính quyền và lực lượng chức năng đã có những cảnh báo đối với người và phương tiện qua lại. Tuyến QL 16 đoạn đi qua xã Đồng Văn, Quế Phong có 6 vị trí sạt lở núi, khoảng trên 1.000 m3 đất đá và cây to đổ tràn lấp xuống mặt đường. Ông Trần Thái Tuấn - Hạt trưởng giao thông Đồng Văn cho biết: Tuyến đường này bị chia cắt từ ngày 10/10, đơn vị đang điều động 3 máy xúc để vào san gạt, tại các vị trí km 197 - 198 bùn nhão nhoét và tiếp tục sạt lở rất khó khăn cho việc san gạt.
Trên QL 48 đoạn đi qua xã Châu Bình, Quỳ Châu sạt lở ta ly âm khoảng trên 200 m3, đơn vị quản lý giao thông đã cắm cảnh báo và cử người canh gác 2 đầu để cảnh giới. Cũng trên tuyến này đoạn qua xã Châu Thắng (Quỳ Châu), vết nứt từ núi kéo theo khoảng trên 300 m3đất đá xuống lòng đường. Đơn vị quản lý giao thông đã sử dụng phương tiện cơ giới san gạt tạm, đảm bảo giao thông bước 1.
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh cũng bị sạt lở. Trong đó, nặng nề nhất là các tuyến Tỉnh lộ 531B, 532, 543, 534, 544, 539C… ở các huyện miền núi Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đang chỉ đạo 7 đơn vị quản lý đường bộ, huy động 10 máy xúc, phối hợp chính quyền địa phương xử lý đảm bảo giao thông bước 1.
Một số địa bàn vẫn đang mưa lớn, diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, đá trên các tuyến đường trên địa bàn miền núi rẻo cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngành giao thông khuyến cáo, người và phương tiện hết sức cảnh giác khi giao thông qua các tuyến đường núi nguy cơ sạt lở. Đặc biệt hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều ngầm tràn, chính quyền các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, kiên quyết không cho người dân cố ý vượt ngầm khi nước lũ dâng cao, chảy xiết, tránh những thiệt hại thương tâm về người.
Ước tính thiệt hại của tiểu thương chợ Vinh hơn 3 tỷ đồng Tại chợ Vinh, hàng tỷ đồng tiền hàng của hơn 1.500 tiểu thương bị ảnh hưởng do mưa lũ đã “biến mất” sau một đêm ngâm nước. Các mặt hàng mã, thực phẩm khô, nông sản đều hư hỏng, bốc mùi, gây ô nhiễm. Ước tính ban đầu, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Sau khi nước rút hơn 1 ngày, các tiểu thương gạt nước mắt, loay hoay với hàng hóa bị ướt sũng và dọn dẹp ki ốt, phơi phóng hàng hóa để ổn định buôn bán trở lại. Nhiều tiểu thương mất hết toàn bộ hàng hóa mong muốn các cấp ngành có những hỗ trợ, giảm thuế để khôi phục kinh doanh. |
PV - CTV