(Baonghean) - Số giáo viên dôi dư bắt nguồn từ việc tuyển dụng không có kế hoạch và không xây dựng phương án rà soát, dự báo về kế hoạch phát triển trường lớp, học sinh.
images1756889_1.jpgGiờ học của học sinh Trường THCS NGhi Long (Nghi Lộc).

Theo số liệu từ Thanh tra tỉnh Nghệ An, từ năm 2010 - 2014, hội đồng tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo của các huyện, thành phố, thị xã đã tuyển dụng 3.370 người; trong đó mầm non 1.343 người, tiểu học 1.384 người, trung học cơ sở 643 người. 

Từ trước năm 2010 đến hết năm 2014, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các trường (từ bậc mầm non đến THCS) đã ký hợp đồng với 3.195 người vào làm việc và giảng dạy tại các trường không đúng quy định.

Một số huyện như: Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu thừa giáo viên nhưng vẫn ký hợp đồng. Trong đó bậc mầm non ký hợp đồng với 1.008 người (trước năm 2010: 246 người; năm 2014: 228 người); bậc tiểu học 1.303 người (trước năm 2010: 517 người; năm 2014: 269 người); bậc trung học cơ sở 884 người (trước năm 2010: 504 người; năm 2014: 65 người)

Theo báo cáo được đính kèm với Quyết định 466/QĐ- SGDĐT về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm học 2016 - 2017, số người làm việc mà bậc tiểu học được giao năm 2016 là 15.777 người nhưng đội ngũ hiện có tới 15.912 người, dôi 135 người. Thế nhưng trong năm học 2016 - 2017 các huyện, thành, thị vẫn ký hợp đồng với 530 người.

Kế hoạch giao ở bậc THCS năm 2016 là 13.314 người, đội ngũ hiện có 13.847 người, dôi 533 người và trong năm học này các huyện, thành, thị vẫn ký hợp đồng với 440 người. 

Như vậy, mặc dù tình trạng dôi dư đã xảy ra từ trước những năm 2010, nhưng các đơn vị của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục ký hợp đồng hàng năm.

Những giáo viên “đa năng”

Con số 1.500 giáo viên thừa đang khiến các địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo đau đầu. Đáng nói là tuy thừa giáo viên nhưng một số môn lại thiếu người dạy, hoặc thiếu nhân viên thư viện, thiết bị. Con số dôi dư giáo viên nhiều nhất tập trung tại các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu và Thanh Chương.   
 
Một trong những phương án đang được ưu tiên nhất hiện nay là đào tạo giáo viên đa năng, giáo viên dạy chéo môn để đảm bảo số tiết của các môn học và đủ số giờ đứng lớp cho giáo viên trong các trường tiểu học, THCS. 
Học sinh tiểu học tham gia chương trình VNEN. Ảnh minh hoạ.
Đơn cử ở huyện Diễn Châu, bậc THCS đang thừa 265 giáo viên, tập trung ở các môn Toán, Văn, Lịch sử. Trong khi đó, lại thiếu các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghiệp. Giáo viên các môn Hóa, Sinh, Vật lý phải “ôm” một lúc 2, 3 trường để dạy các môn thiếu giáo viên.
 
Những giáo viên bộ môn “thừa” nhân lực đa phần được bố trí dạy các môn gần với chuyên môn, như giáo viên Toán dạy một số tiết Lý, hoặc giáo viên Sử dạy các tiết Giáo dục công dân. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bố trí tréo ngoe như giáo viên Văn chuyển sang dạy Sinh như ở Trường THCS Diễn Lợi dịp đầu năm học này.
 
Ở huyện Nam Đàn, hiện vẫn thừa hơn 50 giáo viên bậc THCS và tiểu học, nhưng giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh và giáo viên các môn Hóa, Sinh lại thiếu đến hơn 70 người. 60% số trường trong huyện phải chấp nhận tình trạng giáo viên tự nhiên dạy môn Mỹ thuật, giáo viên xã hội dạy môn Âm nhạc dù theo ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn thì “chất lượng giảng dạy không thể đảm bảo đúng như yêu cầu”.
 
Một số điểm sáng cục bộ
 
Để giải quyết tình trạng dôi dư, ngoài bố trí dạy chéo môn, nhiều đơn vị trường học còn có các phương án linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đơn cử như Trường THCS Nghi Long (Nghi Lộc) nhiều năm qua đã xây dựng một quy chế riêng được khá nhiều giáo viên đồng tình.
 
Trong đó, trước tiênlà tăng cường giáo viên đến các vùng khó. Hàng năm nhà trường công khai số năm công tác của giáo viên. Những giáo viên nào ở vùng thuận lợi nhiều năm thì sẽ được tăng cường đi công tác ở vùng khó khăn, vùng miền núi (theo kế hoạch luân chuyển của Phòng GD&ĐT). Trước khi đi, Phòng GD&ĐT và nhà trường cam kết cho giáo viên được quay trở lại trường sau khi hết thời hạn. 
 
Học sinh Trường Mầm non Bình Minh (TP. Vinh)
 
Thứ hai,trường xác định chỉ “bồi dưỡng” những giáo viên có năng lực, có trình độ và có triển vọng phát triển. Năm học 2013 - 2014, trường thừa 3 giáo viên dạy Toán. Khi cử giáo viên đi “bồi dưỡng” để có thể dạy kiêm nhiệm môn thứ 2, nhà trường quyết định chọn người được đánh giá có năng lực nhất trong tổ Toán và có nhiều khả năng để phát triển. Quan điểm của trường là, nếu khó thì người đứng đầu phải gánh vác đầu tiên. 
 
Thứ ba,bố trí, sắp xếp hợp lý công việc phù hợp với tình hình thực tiễn. Số giáo viên dôi dư được chuyển sang dạy buổi chiều (theo như mô hình dạy học 2 buổi/ngày). Buổi học thứ 2 này, nhà trường phân loại: Học sinh khá giỏi được bồi dưỡng nâng cao, học sinh năng lực kém hơn được phụ đạo. Như vậy, học sinh được bồi dưỡng, học thêm miễn phí mà tất cả các giáo viên sẽ được bố trí công việc phù hợp. 
 
Thời gian qua, huyện Nghi Lộc đã lập kế hoạch về tình trạng giáo viên dôi dư ở các trường học và ra mục tiêu đến năm 2017 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Hiện tại, chỉ còn dôi khoảng 60 giáo viên ở bậc THCS.
 
Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: Hàng năm chúng tôi thực hiện luân chuyển giáo viên đảm bảo hài hòa, hợp lý và tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ. Ngoài ra, còn thực hiện điều chuyển biệt phái giáo viên môn Ngoại ngữ, Văn của bậc THCS xuống dạy bậc tiểu học.
 
Huyện cũng tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên dôi dư theo tiêu chí cụ thể (dôi dư theo bộ môn, sức khỏe không đảm bảo công tác, không hoàn thành nhiệm vụ do chuyên môn yếu, những người chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ). Trên cơ sở đó, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/NĐ.CP của Chính phủ hoặc nghỉ chờ hưu theo Quyết định 86 của UBND tỉnh. Trong hai năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017 đã có gần 30 giáo viên nghỉ trước thời hạn theo diện này.
 
Tại huyện Tân Kỳ, giai đoạn từ năm 2007 trở về trước, do quy mô trường lớp giảm gần một nửa, có thời điểm toàn huyện thừa hàng trăm giáo viên, chính sách cho giáo viên không đảm bảo. Năm 2007, UBND huyện Tân Kỳ đã chủ trì gặp mặt toàn bộ giáo viên hợp đồng, chia sẻ những khó khăn của huyện và thẳng thắn thông báo: những giáo viên hợp đồng sẽ không có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế. Sau đó có một số dư luận cho là huyện “có lý nhưng không có tình”.
 
Tuy nhiên, với con số hơn 1.500 giáo viên hợp đồng ở các địa phương hiện nay, sau 10 - 15 năm công tác vẫn phải làm việc trong mức lương khởi điểm, cách làm của huyện Tân Kỳ chính ra mới là “có lý và có tình”. Nhiều giáo viên không còn cơ hội ở huyện sau đó đã tìm con đường khác, ổn định công tác. 
 
Về phía huyện Tân Kỳ, sau khi chấm dứt hợp đồng với 150 giáo viên hợp đồng huyện, từ đó đến nay huyện cương quyết không ký bất cứ trường hợp hợp đồng nào. Số giáo viên dôi dư được bố trí công việc khác, vận động nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang làm phục vụ.
 
Huyện Tương Dương cũng có cơ chế vận động 65 giáo viên nghỉ theo Nghị định 108 NĐ. CP của Chính phủ về việc tinh giản biên chế. Hiện Tương Dương là huyện không còn tình trạng giáo viên dôi dư.
 
 
(còn nữa)
 
Nhóm P.V