(Baonghean) - Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật đang là vấn đề báo động đối với an ninh trong trường học. Tại Nghệ An, tình trạng trên cũng đang nằm trong xu hướng gia tăng chung.

Những "học sinh cá biệt"

Giáo viên và học sinh trường THCS thị trấn Thanh Chương vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc một học sinh lớp 8 dùng dao hành hung thầy giáo dạy hóa kiêm trưởng ban an ninh nhà trường hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Trước đó, Mạnh đã được biết đến là một học sinh cá biệt. Tuy nhiên, từ học sinh ngỗ nghịch đến việc đem dao đến trường gây rối là sự việc hết sức nghiêm trọng. Sau sự việc này, không ít phụ huynh và học sinh lo ngại bởi nếu sự việc tương tự tiếp tục xảy ra và nếu Mạnh “mạnh tay” thì hậu quả chắc chắn không chỉ dừng lại ở một người bị hại.

images1757032_bna_583b892d14ba6.jpgCông an huyện Quỳnh Lưu triệu tập nhóm học sinh nữ đánh bạn ở Trường Thcs Quỳnh Long. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó một tháng, một vụ “ẩu đả” cũng xảy ra ở Trường PTDTBT THCS Na Ngoi thuộc huyện vùng cao Kỳ Sơn. Một số học sinh nam của trường đã kéo nhau ra khu vực đang xây nhà bếp bán trú học sinh ở phía sau trường cãi cọ và dùng dao đâm nhau gây thương tích. Hậu quả: 3 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 bị thương phải đi cấp cứu.

Sau sự việc này, ban giám hiệu nhà trường đã kỷ luật 3 học sinh, 2 học sinh liên đới trong sự việc thì tự ý thôi học. Thầy giáo Phạm Mạnh Hùng -  Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Na Ngoi cho biết sự việc khiến rất bất ngờ, bởi mâu thuẫn của các em không lớn, chủ yếu chỉ xung quanh chuyện học đường; bản thân các em cũng chỉ mới 13, 14 tuổi, bình thường vẫn chơi và ở cùng với nhau.

Nghiêm trọng hơn, có những vụ việc đã bị truy tố pháp luật. Đơn cử như trường hợp của học sinh Trần Đình Thắng (nguyên là học sinh lớp 11A1, Trường THPT Đô Lương 4, trộm cắp 50 triệu đồng của người cùng xã), em Trần Văn Đạt (học sinh lớp 11B9, Trường THPT Đô Lương 2) tham gia cướp điện thoại di động…

Trên toàn tỉnh, chỉ tính riêng trong năm học 2015 – 2016, đã có 3.079 trường hợp học sinh vi phạm. Trong số này, có khá nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng như tệ nạn xã hội, ma túy (4 em), trộm cắp tài sản (44 em), cố ý gây thương tích (10 em), bạo lực học đường (31 em), cướp của giết người (1 em). Về xử lý, 2180 trường hợp bị xử lý hành chính, 9 trường hợp bị xử lý hình sự và hơn 900 trường hợp bị xử lý khác.

Tiềm ẩn nguy cơ

Khối 9, phường Bến Thủy là một địa bàn khá đặc biệt vì có gần 1.200 học sinh, sinh viên thuê trọ học tập. Đáp ứng nhu cầu lực lượng đông đảo này, hiện trên 3 trục đường chính của khối là Lê Duẩn, Bạch Liệu, Nguyễn Kiệm đã có 49 hộ kinh doanh các dịch vụ như cầm đồ, điện thoại di động, cho thuê xe máy, Internet…

Theo ông Đậu Hồng Quang - Khối trưởng khối 9, phường Bến Thủy, vì học sinh, sinh viên cư trú đông nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tình hình phạm tội diễn ra khá phức tạp. Đã từng có 2 trường hợp bị bắt vì trộm cắp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy, 1 trường hợp trên địa bàn khối đã bị xử án treo vì giam giữ người trái phép (sinh viên cầm đồ không có tiền trả nợ).

Theo ông Hùng, học sinh, sinh viên hiện nay dễ bị lôi kéo, phổ biến nhất là tình trạng vay nóng, cầm đồ, chơi lô đề, ma túy… Theo thống kê của Công an Thành phố Vinh trong năm 2016, kiểm tra các tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố, phát hiện trên 500 thẻ sinh viên bị đem cắm để lấy tiền với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Na Ngoi, nơi xảy ra một vụ học sinh đánh nhau. Ảnh: Hồ Phương

Ngoài ra, tình hình an ninh trường học còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như ma túy, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau. Tính từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Vinh đã thụ lý 36 vụ vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên với 49 trường hợp. Điển hình như vụ 2 sinh viên Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, sinh viên Lào ở Trường Đại học Vinh tham gia buôn bán ma túy, 2 nhóm sinh viên thường xuyên đi trộm cắp tài sản ở khu vực xã Hưng Lộc… 

Trung tá Phạm Vũ Cường - Phó Trưởng Công an thành phố Vinh: “Qua công tác điều tra cho thấy, hiện rất nhiều đối tượng lợi dụng học sinh, sinh viên để lôi kéo, tuyên truyền các tư tưởng xấu. Vì vậy, nhà trường cần thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền giáo dục pháp luật để học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác; chú trọng công tác nắm bắt tình hình học sinh, sinh viên, tập trung phòng, chống các tệ nạn xã hội nhằm đảm bảo tốt an ninh, trật tự trường học”.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN