bna_sotainguyenanhthanhle9695293_2412019.jpgSáng 24/1, Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền dẫn đầu có cuộc làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, các dự án sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, đến hết năm 2018. Ảnh: Thanh Lê

Tỷ lệ xây dựng công trình mới đạt thấp

Với 1 thành phố, 3 thị xã và 17 thị trấn, toàn tỉnh hiện có 126 khu đô thị (riêng TP Vinh có 103 dự án) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 1.987 ha.

Đến nay đã có 92 dự án (chiếm 73,02%) đã hoàn thành công tác đền bù, bồi thường GPMB đầu tư xây dựng hạ tầng; 34 dự án (chiếm 26,98%) đang làm các thủ tục đền bù, GPMB.

Các dự án bước đầu đã tạo ra diện mạo mới cho không gian kiến trúc đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị đã phát huy hiệu quả, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, năng lực thực hiện dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế nên một số dự án khu đô thị sau khi được phê duyệt quy hoạch chậm tổ chức thực hiện các bước tiếp theo để triển khai xây dựng (tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình mới đạt khoảng 30-50%). Một số khu đô thị có các khu đất chưa xây dựng công trình theo quy hoạch được phê duyệt.

Về việc xử lý dự án chậm tiến độ, từ năm 2014 đến 2018, UBND tỉnh thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra. Kết quả UBND tỉnh có quyết định thu hồi 96 dự án. 

Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh cần xử lý nghiêm đối với các nhà đầu tư thực hiện tiến độ dự án chậm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

"Một số dự án khi triển khai chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung làm chậm tiến độ; giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ, thống nhất"- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông phản ánh. Ảnh: Thanh Lê

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2018, thanh tra Sở tiến hành 30 cuộc thanh tra, kiểm tra tổng số 42 dự án; đã xử phạt 25 tổ chức với tổng số tiền trên gần 820 triệu đồng; thu hồi tiền đối với xã Hưng Đông (TP Vinh) do cho các tổ chức thuê đất không đúng thẩm quyền với số tiền gần 84 triệu đồng.

Quy hoạch chồng chéo

Đánh giá việc quản lý sử dụng đất đai tại đô thị, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tại đô thị nhìn chung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra và quy định của Luật đất đai năm 2013.

Phản ánh bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất tại đô thị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất tại đô thị còn nhiều vấn đề bất cập đặt ra cần phải xem xét. Cụ thể nhiều dự án vi phạm trong quy hoạch sử dụng đất ở đô thị, chồng chéo trong quy hoạch một số dự án đầu tư sử dụng đất sai mục đích đăng ký ban đầu, điều chỉnh quy hoạch, hợp lý hóa để phân lô, bán nền.

“Tình trạng vi phạm trong đầu tư xây dựng khá phổ biến, trong khi việc xử lý vi phạm chỉ mới dừng lại xử phạt hành chính; do xác định giá đất chưa sát với giá thị trường dẫn đến tình trạng trục lợi, “cò” trong đấu giá đất. Để xảy ra tình trạng này cần làm rõ trách nhiệm của ngành liên quan”- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão nói. Ảnh: Thanh Lê

Các vấn đề được các đại biểu quan tâm được Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ đó là nhiều dự án chung cư, nhà liền kề tại các đô thị tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đạt thấp, nhiều chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng quyền lợi của người dân; xử lý sai phạm về đất đai, quy trình đấu giá đất,...

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền 

chia sẻ những khó khăn, áp lực đối với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý sử dụng đất đai đô thị.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Sở cần làm tốt hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật về đất đai để cán và nhân dân triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về đất đai; quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai,...

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.