SỐ LIỆU KHẢ QUAN
Địa bàn các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ có nhiều mỏ cát, đá. Ông Nguyễn Văn Đông - Chi cục trưởng, Chi cục Thuế Sông Lam I cho biết: Trước dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn trong năm 2020, Chi cục Thuế đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp xử lý nợ thuế tài nguyên.
Trong đó, tập trung xử lý đối với các khoản nợ thuế lớn, kéo dài; tăng cường phối hợp đôn đốc thu nợ thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đảm bảo giảm nợ đối với các doanh nghiệp đang còn hoạt động, xử lý các khoản nợ khó thu.
Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng kiểm tra công tác khai thác khoáng sản. Tham mưu cho các huyện, yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt các trạm cân, camera để giám sát khối lượng khoáng sản xuất bán... Nhờ vậy, năm 2020, Chi cục Thuế Sông Lam I đã thu được trên 25,6 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, đạt trên 86%. 
bna_c11444272_612021.jpgKhai thác cát ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường
Tại địa bàn huyện Quỳ Hợp có trên 200 doanh nghiệp, trong đó, hầu hết hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Nhiều năm qua, lĩnh vực thu thế tài nguyên khoáng sản rất khó khăn, có nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, do những năm vừa qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng đá không xuất bán được. 

Để có thể hoàn thành thu thuế đối với các doanh nghiệp này, ông Nguyễn Xuân Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Phủ Quỳ I cho biết, đã thực hiện các giải pháp như tập trung thu hồi đất đối với các trường hợp nợ đọng thuế, công khai doanh nghiệp nợ thuế. Thực hiện kiểm tra tại địa bàn (kê khai thuế điện tử của doanh nghiệp tại cơ quan thuế) để xác định sản lượng khai thác hàng quý, tập hợp bảng kê bán lẻ hàng ngày, đối thoại với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, gửi công văn cho đơn vị quản lý để đôn đốc nợ đọng thuế. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn hoạt động kinh doanh, khai thác không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng kiên quyết cưỡng chế, đề xuất đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUẾ TÀI NGUYÊN
 
Theo báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, năm 2020, Nghệ An đã thu 467 tỷ đồng thuế tài nguyên. Để đạt được kết quả khả quan trên, ngành Thuế đã đưa ra các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật về tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, nhằm nâng cao nhận thức cho người nộp thuế về thực hiện nghĩa vụ ngân sách. Rà soát hoạt động san lấp tại các dự án để quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với sản lượng đất, đá san lấp.
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, khảo sát, xây dựng Bảng giá tối thiểu tính thuế tài nguyên phù hợp thực tế tại địa bàn và đúng quy định của Bộ Tài chính. Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình khai thác cát, sỏi tại các bến, bãi trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đối chiếu sản lượng khai thác và sản lượng kê khai của người nộp thuế. Phối hợp chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác, kê khai thuế tài nguyên của người nộp thuế, đặc biệt, đối với trường hợp người nộp thuế chưa được cấp phép khai thác hoặc khai thác quá trữ lượng cho phép. 
Chế biến khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Một số huyện trọng điểm về khoáng sản thành lập đoàn liên ngành kiểm tra địa điểm vận chuyển khoáng sản. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về thuế, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, thanh tra xem đơn vị nộp thuế tài nguyên môi trường đã thực hiện khai đúng, khai đủ chưa. Nếu việc khai thuế chưa đúng với quy định của pháp luật, cơ quan thuế sẽ yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung và thực hiện nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số khó khăn, như hiện nay một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khai thác tài nguyên khoáng sản có hành vi khai sai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, địa phương nên công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn, gây thất thoát thu ngân sách…
Theo các nhà chuyên môn, về lâu dài cần tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên; có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị tài nguyên. Từ đó, tài nguyên ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nhà nước cần có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường như hiện nay để đánh giá cụ thể mức độ tác động của từng yếu tố ảnh hưởng đến số thu thuế tài nguyên nội địa cần phải phân tích cụ thể. Trong đó, cần chú trọng về khía cạnh tổ chức quản lý cấp phép khai thác, quản lý sản lượng, giá trị tài nguyên, công tác quản lý thuế tài nguyên và thuế suất (tỷ lệ điều tiết) đối với từng loại tài nguyên.