(Baonghean) - Cuối năm là thời điểm thu hoạch các loại cây nguyên liệu cho các nhà máy chế biến như mía, sắn, keo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, lực lượng lao động thiếu nghiêm trọng, nhiều nơi không tìm ra người để thuê.
Chị Vi Thị Hồng ở bản Cúng, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 2 ha mía. Hiện đã có lệnh thu hoạch của Nhà máy đường nên gia đình huy động con cháu người nhà đổi công cho nhau. Nhưng có lúc anh em cũng có lệnh phải đi chặt cho gia đình mình nên không thể đi chặt cho nhà khác. Thuê đến 120.000 đồng/ngày nhưng nhiều người cũng không mặn mà".
Cũng như gia đình chị Hồng, gia đình anh Cao Văn Quỳnh ở xóm Đại Xuân, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp có gần 3 ha mía đang vào giai đoạn cao điểm của thu hoạch mía cũng như trồng lại mía nên việc tìm lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Quỳnh cho biết: "Ngoài huy động người nhà thu hoạch thì gia đình phải thuê bó mía với giá 1.000 đồng/bó. Nếu 1 ha mía năng suất 65 đến 70 tấn thì riêng chi phí tiền công chặt mía đã hết khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng chưa tính tiền công bốc lên xe để chở về nhà máy. Tuy vậy, vào vụ việc tìm kiếm được lao động để thu hoạch kịp thời cũng rất khó khăn".
Huyện Quỳ Hợp hiện có diện tích mía niên vụ 2017-2018 là 5.116 ha, hiện tại toàn huyện có lệnh thu hoạch được khoảng 30% diện tích đảm bảo công suất cho nhà máy hơn 7.000 tấn mía cây mỗi ngày.
Cùng với thu hoạch mía, huyện Quỳ Hợp có 1.085 ha keo nguyên liệu đến chu kỳ thu hoạch. Thu hoạch keo cũng đòi hỏi nhiều lao động như thu hoạch mía. Tuy nhiên các vườn keo thường được tư thương đến “ôm”, sau khi thỏa thuận bán, tư thương tự lo khâu thu hoạch và họ cũng phải đi tìm người để thuê.
Anh Nguyễn Hùng Cường - Chủ mua keo xã Châu Quang cho hay: "Sau khi khảo sát thỏa thuận được với người bán keo thì mình phải thuê nhân công chủ yếu là người địa phương trong huyện đến thu hoạch. Đặc thù của thu hoạch keo là sử dụng máy cưa và bốc vác, vận chuyển nặng nên chủ yếu là sử dụng lao động nam giới. Chi phí công cũng tương đối cao từ 150.000 - 200.000 đồng/công/ngày, nhưng nhiều lúc cũng không tìm ra người.
Ở Nghĩa Đàn tình hình cũng tương tự. Hiện nay, huyện có gần 7.800ha mía, tăng 300ha so với vụ mùa 2016 - 2017. Mía được trồng rải rác ở 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhưng chủ yếu tập trung ở các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đức, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú... Trên các cánh đồng đang khẩn trương vào mùa thu hoạch mía nhưng tìm lao động rất khó.
Anh Thái Văn Hợi ở xóm 14, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) cho biết: Hiện nay mía đã vào mùa thu hoạch, nhà máy đường đã phát lịch chặt mà không tìm đâu ra nhân công. Nhà tôi năm nay trồng được hơn 20 ha mía, dự kiến sản lượng đạt trên 1.100 tấn, tuy nhiên đến nay mới bán được cho nhà máy 400 tấn”.
Cũng theo anh Hợi, năm ngoái vào thời điểm này, trang trại mía của anh lúc nào cũng có khoảng 10 - 15 người chặt mía, chủ yếu là các lao động nông nhàn đến từ các huyện Yên Thành, Diễn Châu, việc thu hoạch gần như đã dứt điểm. Nay thì chỉ ít hơn 5 - 6 lao động, nên vẫn còn hơn một nửa diện tích mía chưa thu hoạch được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chủ mía và người chặt thuê có thỏa thuận không tính bằng công chặt mà tính bằng bó, mỗi bó mía khoảng 15 - 20 cây để quy ra tiền công. Năm ngoái giá thuê chặt một bó mía tại Nghĩa Hưng khoảng 900 - 1.000 đồng/bó thì bước vào vụ năm nay giá tăng lên 1.300 - 1.500 đồng/bó, tùy ở từng địa phương, tức là mỗi tấn mía thuê người chặt chủ mía hết gần 1 triệu đồng.
Ngoài ra, do xe tải không vào đầu bờ ruộng bốc được nên còn phải thuê xe tăng bo ra đường lớn, chi phí hết khoảng 100.000 đồng/tấn; cộng với tiền nước, thuốc cho người chặt mía nên chi phí cho khâu thu hoạch lên tới 6-7 triệu đồng/ha. Trong khi đó giá mía khoảng 880.000 đồng/tấn, 1 ha mía năng suất bình quân 60 tấn thu được khoảng 53 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư khoảng 20-25 triệu đồng/ha, người trồng mía chẳng còn bao nhiêu.
Năm nay công chặt mía cao gần gấp 1,5 lần so với năm trước, nhưng nhiều hộ vẫn không tìm đâu ra người để thuê. Mặt khác thuê lao động dẫn đến thất thoát sau thu hoạch, người làm thuê chỉ chú trọng số lượng nên chặt bừa, chừa lại gốc.
Theo ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, hiện nay đang bước vào giai đoạn thu hoạch mía đại trà, hầu hết các nhà máy đường đã bố trí lịch chặt cho bà con nhưng do thiếu nhân công chặt mía nên tiến độ thu hoạch có phần chậm lại. Việc thiếu hụt lao động chặt mía đã làm cho giá nhân công tăng cao. Trước tình hình trên, để hỗ trợ người trồng mía đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân huy động mọi nguồn lực từ gia đình, thôn, xóm; các tổ hợp tác trồng mía tiến hành trao đổi ngày công và kịp thời hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn thu hoạch mía.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường Sông Con cũng cho biết: Khó khăn hiện nay của các nhà máy là lao động phổ thông ngày một khan hiếm tại các vùng quê, hầu như chỉ còn người già và trung niên, thanh niên đi làm công nhân hoặc vào miền Nam nên mùa thu hoạch nguyên liệu các xã hầu hết đều khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cây nguyên liệu.