P.V: Đồng chí có thể chia sẻ những chuyển động sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh?
Đồng chí Trần Quốc Thành: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06, bước chuyển quan trọng là nhận thức trong các cấp, các ngành và doanh nghiệp về KH&CN được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu KH&CN gắn với ứng dụng được đẩy mạnh, đồng thời chuyển hướng khắc phục dần sự dàn trải thông qua xác định 6 lĩnh vực ưu tiên đầu tư KH&CN, bao gồm: nông nghiệp công nghệ cao; y dược; khoa học, xã hội và nhân văn; KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị, thành; công nghệ thông tin; môi trường.
Việc tác động KH&CN cũng triển khai theo chuỗi giá trị của sản phẩm, từ khâu giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng tưới nhỏ giọt, xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu. Rõ nhất là các sản phẩm cam, chanh leo, hương trầm Quỳ Châu, trà hoa vàng, lúa Japonica, chè Nghệ An, trám đen…
Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình 100 sản phẩm, trên cơ sở lựa chọn các cây, con đặc sản, đặc thù của tỉnh để có tác động KH&CN nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, trong 100 sản phẩm được lựa chọn đã có 46 sản phẩm được tác động KH&CN nhiều chiều, còn tác động ở một số “mắt xích” trong chuỗi giá trị thì có tới hơn 70 sản phẩm.
Hoạt động KH&CN cũng được chú trọng ở công tác bảo tồn, khai thác và phát triển những nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế vùng miền Tây Nghệ An, như sâm Puxailaileng, cây mú từn, trà hoa vàng, đẳng sâm, lan kim tuyến, cây bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ… Đây là nền tảng triển khai chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược trên cơ sở thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Tỉnh cũng đẩy mạnh chương trình sở hữu trí tuệ, trong đó có sở hữu trí tuệ về sáng chế và giải pháp hữu ích sở hữu trí tuệ về thương hiệu.
Đến nay, toàn tỉnh có 181 doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp; 939 đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng, giải pháp hữu ích và sáng chế. Nghệ An đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn khởi nghiệp, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp “tiếp sức” cho các dự án khởi nghiệp KH&CN phát triển…
"Kết quả hoạt động KH&CN đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế đo bằng Chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 30%; Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%... "
CHƯA TƯƠNG XỨNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ
P.V:Kết quả từ thực hiện Nghị quyết 06 so với yêu cầu của sản xuất và đời sống thì đang còn những tồn tại, hạn chế nào, thưa đồng chí!
Đồng chí Trần Quốc Thành:Trước hết là nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, mới đạt khoảng 0,54%/quy định 2% chi ngân sách. Mặt khác, dù nguồn huy động xã hội hóa vào công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN từ các đơn vị, doanh nghiệp và người nông dân đã tăng lên 60% và Nhà nước giảm còn 40% (cao hơn bình quân chung cả nước, nguồn xã hội hóa là 52% và Nhà nước là 48%); tuy nhiên tổng nguồn lực đầu tư cũng mới chỉ đáp ứng được con số rất nhỏ. Việc huy động nguồn lực thực hiện đề án Nghệ An thành trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung bộ đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, sản phẩm hình thành chuỗi giá trị để tạo ra hàng hóa thật sự, có quy mô lớn chưa được nhiều. Chương trình 100 sản phẩm có tác động KH&CN mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa tạo được những sản phẩm hàng hóa có sức lan tỏa và “bật” ra khỏi huyện, khỏi tỉnh; kể cả các sản phẩm dược liệu trà cà gai leo, giảo cổ lam, cây thìa canh, trà hoa vàng, chè Nghệ An, nước mắm Cửa Hội, lúa Japonica, gừng Kỳ Sơn, sâm Puxailaileng…
Một cái yếu nữa, đó là lực lượng đội ngũ KH&CN triển khai ứng dụng chưa mạnh để lặn lội cùng doanh nghiệp và nông dân; đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã lại càng yếu, kể các lực lượng ở các trung tâm có chức năng chuyển giao, ứng dụng KH&CN, các doanh nghiệp. Tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn chậm.
"Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao".
P.V:Để tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển KH&CN, những yếu tố nào cần được tháo gỡ và các giải pháp cần tập trung hơn trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Quốc Thành:Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của tỉnh là tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu gắn với ứng dụng KH&CN thông qua “kéo” các nhà khoa học và doanh nghiệp gần lại với nhau, các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề mà xã hội, doanh nghiệp đang cần, để cung và cầu KH&CN gặp nhau.
Yêu cầu đổi mới sáng tạo, bao gồm đổi mới cả sản phẩm, đổi mới công nghệ và tư duy kinh doanh, mô hình kinh tế theo chuỗi trên cơ sở nền tảng 4.0 và điều kiện ứng dụng có thể của địa phương. Đổi mới sáng tạo cũng liên quan đến khởi nghiệp trên cơ sở doanh nghiệp hình thành từ nền tảng công nghệ hoặc trên cơ sở nền tảng mô hình kinh tế mới. Liên quan đến chính sách Nhà nước cũng cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nước, trong tỉnh và phù hợp với quy định của quốc tế.
Mặt khác, tỉnh cũng sẽ chuyển hướng chỉ đạo lồng ghép các chương trình trên cơ sở chương trình sản phẩm chủ lực của tỉnh để tập trung tác động KH&CN, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu. Gắn với đó là dành các nguồn lực từ các chương trình KH&CN để “kích hoạt” doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; từ đó tăng cường nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.
Chúng ta cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông KH&CN nhằm giới thiệu mô hình nghiên cứu khoa học có hiệu quả để ứng dụng và nhân rộng vào sản xuất và đời sống; chú trọng phát triển tiềm lực KH&CN để có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ, thiết bị tiên tiến, cũng như nghiên cứu; thu hút đầu tư, phát huy tiềm lực, xã hội hóa đầu tư cho KH&CN…
P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!