Sáng 23/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân
Mở rộng dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương
Góp ý vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng và khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều loại hình, nhiều chủ thể. Do đó cần được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng, kể cả ở cơ quan trình và cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
“Khắc phục tình trạng trình để "gác chỗ" khi xin ý kiến lần đầu. Không ít dự án luật không đạt yêu cầu vì không làm kỹ từ đầu. Lần này Quốc hội, UBTVQH đổi mới căn bản, ngay khi đăng ký đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải nghiên cứu kỹ và từng có trường hợp bị yêu cầu trả hồ sơ về làm lại” – ông Vương Đình Huệ lưu ý; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dịp thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ. Bởi, suy cho cùng, thành quả của sự nghiệp đổi mới mà dân không tham gia thì không thành công, dân không được thụ hưởng thì không có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, nội dung dự thảo cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ ở cơ sở với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Qua luật này thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
“Yêu cầu phải có văn bản luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, đi vào cuộc sống, tránh hình thức, phô trương” – ông Vương Đình Huệ nói.
Cũng đề cập việc Văn kiện Đại hội XIII được nghiên cứu, đúc kết rất sâu sắc các nội hàm cho thấy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đánh giá rõ việc thực hiện lâu nay, để từ đó có quy định điều chỉnh phù hợp, khả thi.
“Còn tình trạng dân chủ hình thức, chưa thật lắng nghe ý kiến nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm, rồi tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Bên cạnh đó còn có tình trạng lợi dụng dân chủ để chống đối, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự, chia rẽ nội bộ. Tờ trình, báo cáo cần đánh giá rõ” – ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Đảng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, đây là dự án luật khó cả về nội dung và hình thức. Lý luận và đường lối thì đã rõ, tuy nhiên để thể chế thành luật, cụ thể với các điều cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo vì ngoài giá trị nhân văn của dân chủ thì đây còn là lĩnh vực rất nhạy cảm.
Về kỹ thuật lập pháp, ông Trần Quang Phương đề nghị thiết kế thể hiện được rõ 3 nhóm dân chủ cơ sở (ở xã phường thị trấn; cơ quan, đơn vị, tổ chức; doanh nghiệp và tổ chức kinh tế) với 6 phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Bên cạnh đó, phải đánh giá tác động sâu sắc hơn về các chính sách, nhất là về hạn chế, yếu kém bất cập; tình hình mất dân chủ cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo, dân mất niềm tin; chế tài xử lý tình trạng lợi dụng chức vụ để bưng bít thông tin, tham nhũng, tiêu cực; rồi tác động về kinh tế, xã hội.
Phải công khai, minh bạch thông tin
Đề cập cụ thể hơn vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh không đồng tình việc “loại trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù” trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và đề nghị ít nhất nên quy định mang tính nguyên tắc.
“Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, căn bản để lan tỏa dân chủ ra ngoài xã hội. Dân chủ trong cơ quan dân cử cũng tương tự. Do đó cần chương quy định mà không loại trừ cơ quan, tổ chức đặc thù”.
Về dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Thanh nên có điều quy định chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và có quy định kỹ hơn với doanh nghiệp Nhà nước vì có nhiều nội dung liên quan tổ chức bộ máy, ngân sách nhà nước, cơ chế chính sách. Tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... đang chiếm tỷ lệ rất lớn mà không quy định trong luật này mà để điều chỉnh ở luật chuyên ngành thì chưa đủ sức mạnh thực hiện dân chủ.
Nhấn mạnh tính công khai minh bạch để thực hiện dân chủ ở cơ sở, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường dẫn chứng tình trạng đình công, lãn công, khiếu kiện đông người có nguyên nhân không công khai thông tin cho người lao động như về tăng giờ làm, trả lương, phúc lợi xã hội... Ở chính quyền địa phương còn xuất hiện nhiều mâu thuẫn, nhất là liên quan phương án đấu giá, đấu thầu, cho thuê, giao đất.
“Quy định chặt chẽ, đồng bộ để tránh việc không muốn thông tin những cái quy định cần có, chỉ công khai những cái không cần thông tin” – ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án luật; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo, bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong dự thảo Luật, hoàn thiện Báo cáo tổng kết để phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung được điều chỉnh trong Luật cũng như Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật theo hướng tập trung đánh giá tác động đối với những chính sách mới được bổ sung./.