Tham dự Hội nghị có 800 đại biểu khách mời đến từ các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam gồm: các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, đại diện cơ quan đầu mối về phi chính phủ nước ngoài của các tỉnh, thành phố, một số tổ chức nhân dân và tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam; các cơ quan hợp tác phát triển song phương và đa phương; một số đại sứ quán; các doanh nghiệp nước ngoài… Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại và đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tham dự hội nghị.
Hội nghị bao gồm phiên khai mạc, bế mạc và 06 hội thảo chuyên đề bàn bạc các lĩnh vực trọng tâm như: Giáo dục đào tạo và Giáo dục nghề nghiệp; Y tế; Hợp tác giữa các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam; Giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh; Môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; Phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.
Hội nghị nhằm đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn 2014 - 2019, đồng thời chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đánh giá cao kết quả hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài. Theo số liệu của Ban điều phối viện trợ phi chính phủ cho biết, từ 465 tổ chức NGO trong năm 2014 đã tăng lên 507 tổ chức NGO trong năm 2019. Giá trị viện trợ phi chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2018 là 1,47 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế, phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề xã hội môi trường.
Nhìn chung, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài trong thời gian qua ngày càng chặt chẽ, bình đẳng hơn, từ Trung ương đến cơ sở, tới người hưởng lợi. Đây cũng là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công trong hợp tác và hiệu quả dự án. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần cùng với nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thúc đẩy giảm nghèo, phát triển bền vững và được Chính phủ, chính quyền các cấp, người dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực, tạo điều kiện cho các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Nghị định thay thế Nghị định 12, Nghị định 83 sửa đổi bổ sung thay thế hơi dài; thủ tục cấp mới, gia hạn bổ sung giấy đăng ký, thủ tục phê duyệt dự án... còn chậm; một số ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác vận động cũng như chưa chủ động xây dựng các chương trình dài hạn; thông tin về nhu cầu theo lĩnh vực theo địa phương còn thiếu, không kịp thời,...
Trong thời gian tới, cần thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Hội nghị cũng cung cấp cho các đại biểu tham dự về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài các góc nhìn của các địa phương, các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức nhân dân tại Việt Nam và các đối tác phát triển.