065309-1.jpgCampuchia đang xem xét hủy lệnh cấm với những người tới từ 10 nước châu Phi. Ảnh: Khmer Times

Đức áp đặt hạn chế mới với người chưa tiêm

Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm của bà Olaf Scholz ngày 2/12 thông báo, nước này sẽ cấm những người chưa tiêm vắc xin tới hầu hết các cơ sở kinh doanh thiết yếu, ngoại trừ siêu thị và hiệu thuốc, để hạn chế sự lây lan của virus corona. Bà Merkel nói: “Các sự kiện văn hóa và giải trí trên toàn quốc chỉ mở cho những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục sau khi nhiễm virus corona”.

Ngoài ra, việc tiêm chủng sẽ trở thành bắt buộc từ tháng 2/2022. Hãng tin CNN dẫn lời bà Merkel cảnh báo, tình hình đại dịch Covid-19 tại nước này rất nghiêm trọng, với số ca nhiễm ở mức rất cao và tỷ lệ tiêm chủng ở Đức thấp hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác.

Ca nhiễm tại Campuchia ở mức tối thiểu

Theo báo Khmer Times, Campuchia một lần nữa ghi nhận số ca mới hàng ngày ở mức thấp. Tổng số ca nhiễm mới ngày 2/12 ở Campuchia là 23.

Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân Campuchia không nên hoảng loạn vì biến thể Omicron. Ông cho biết, Campuchia không có chuyến bay thẳng với Nam Phi, vì thế không cần hủy các chuyến bay với quốc gia này. Nam Phi là nước đầu tiên phát hiện biến thể Omicron.

Thủ tướng Hun Sen cũng cho hay, ông đang cân nhắc lại về lệnh cấm công dân của 10 nước châu Phi nhập cảnh. Ông nói, ông thay đổi quan điểm về việc này để tránh hành vi phân biệt đối xử với các quốc gia châu Phi trên.

Thêm nhiều nước phát hiện ca nhiễm Omicron

Hy Lạp, Ấn Độ và Phần Lan đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron.

Tờ Guardian dẫn tin từ Viện Y tế Phần Lan ngày 2/12 cho biết, biến thể Omicron được tìm thấy ở một người vừa tới từ Thụy Điển. Giới chức nước này đang kiểm tra mẫu từ những người khác đi cùng nhóm hiện đã mắc Covid-19.

Hy Lạp ngày 2/12 cũng phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris nói, đó là một công dân sống trên đảo Crete, từ Nam Phi trở về hồi tháng trước. Người bệnh có triệu chứng nhẹ và tất cả những người tiếp xúc với anh ta đã bị cách ly.

 

Cùng ngày, Chính phủ Ấn Độ xác nhận đã phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron tại bang miền Nam Karnataka. Đó là hai người nước ngoài, 46 và 66 tuổi, gần đây có tới Nam Phi. Cả hai đều có triệu chứng nhẹ. Số ca nhiễm ở Ấn Độ hiện ở mức thấp kỷ lục, nhưng số lượt xét nghiệm cũng đang giảm mạnh.  

Anh phê duyệt thuốc giúp giảm nguy cơ tử vong

Theo hãng tin CNN, ngày 2/12, Anh đã phê duyệt sử dụng một loại thuốc giúp làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19 tới 79% ở những người trưởng thành có nguy cơ cao.

Xevudy, còn gọi là Sotrovimab, được Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh phê chuẩn để sử dụng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Xevudy được khẳng định là an toàn và hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người nhiễm Covid-19 có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng hơn.

Thuốc do hãng dược GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir (Mỹ) hợp tác bào chế. GlaxoSmithKline (GSK) khẳng định rằng thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm Omicron.

Omicron làm nguy cơ tái nhiễm cao gấp 3 lần

Theo các bằng chứng mới được Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi thu thập, bằng chứng dịch tễ học mới nhất cho thấy biến thể Omicron có thể tránh được hàng rào miễn dịch (được tạo ra từ lần nhiễm các biến thể trước đây) và gây tái nhiễm cao gấp 3 lần so với các biến thể trước.

Tuy nhiên, vắc xin dường như vẫn có khả năng bảo vệ người nhiễm biến thể Omicron khỏi tử vong và làm bệnh trở nặng.