Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An trong những tháng qua. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện dịch vẫn đang lây lan ở 18 huyện, thị, thành phố, trong đó nhiều nhất là các huyện miền xuôi: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc...
Diễn Châu là một trong những huyện có bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan khá nhiều trong thời điểm này. Ông Nguyễn Trọng Bốn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 86 thôn, xóm, 23 xã: Diễn Lộc, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Minh Châu, Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Đồng, Diễn Quảng, Diễn Thành... số lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch 1.101 con, tổng trọng lượng gần 68 tấn lợn hơi.
"Trước đây, dịch xảy ra trên cả lợn thịt, lợn nái, lợn giống, nhưng thời gian gần đây, dịch chủ yếu xảy ra trên đàn lợn nái đang mang chửa, hoặc vừa sinh sản xong. Tuy nhiên, chủ yếu xảy ra tại các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ", ông Nguyễn Trọng Bốn cho hay.
Tại huyện Yên Thành, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 32/39 xã, thị trấn. Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, từ ngày 13/9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 416 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 146 xóm, thuộc 32 xã, số lợn tiêu hủy 1.592 con, tổng trọng lượng gần 78 tấn.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 18 huyện, thị; chỉ còn 3 huyện hết dịch, gồm: Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn và thị xã Cửa Lò.
"Thời điểm cuối năm sẽ cần nhiều lợn thịt vào dịp tết, trong khi giá lợn đang bấp bênh, trong điều kiện chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học thì người chăn nuôi cần quan tâm đến công tác phòng dịch, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Đối với các vật nuôi khác, mùa Đông đang đến, người dân cần che chắn, vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho trâu bò. Đặc biệt, tiêm phòng vắc xin bổ sung vụ thu cho đàn vật nuôi", ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo./.