(Baonghean) - Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 26) cho thấy, mặc dù đạt được nhiều kết quả, song để đạt mục tiêu đề ra vẫn cần nhiều giải pháp căn cơ, nhanh chóng tạo được bước bứt phá thực sự, nhất là trong phát triển kinh tế...

Xác định cơ hội đột phá 

Nghệ An là một trong không nhiều địa phương trong cả nước được Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng. Nhận thức được tầm quan trọng và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh, với tâm thế chủ động, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 24 vào tháng 10/2013 với 6 chương trình trọng điểm như: Chương trình bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm; chương trình phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xây dựng chính sách và phát triển vùng, lĩnh vực... 

1504189847708.jpgCụm công trình Trạm nghiền xi măng và Cảng biển Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: N.N

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định triển khai Chương trình hành động; các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai. Về phía Trung ương, các ban Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Qua 4 năm triển khai cho thấy Nghị quyết  được thực hiện nghiêm túc; xây dựng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch sát và thiết thực, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương nên đi vào cuộc sống nhanh. Từ sự chủ động, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khắc phục các trở lực, khó khăn, Nghệ An đang trong lộ trình quyết tâm phấn đấu “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020” như tinh thần Nghị quyết xác định. 

Đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 26, Giám đốc Sở Kế hoạch  và Đầu tư  Nguyễn Văn Độ cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) trong 4 năm (2014 - 2017) tăng bình quân 7,43%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm (2011 - 2013) là 5,54%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2017 so với năm 2013, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng tăng từ 31,36% lên 33%, khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 26,95% xuống 25%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khá cao, từ 41,69% lên 42%.

Thu ngân sách cũng chứng kiến mức tăng khá, giai đoạn 2014 -2017 ước đạt 41.444 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2014 - 2017 đạt cao với 446 dự án với tổng vốn đầu tư 169.387 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đạt gần 17.250, xếp thứ 7 cả nước. Khối doanh nghiệp đóng góp gần 60% ngân sách toàn tỉnh và trong giai đoạn 2014 - 2017 tạo việc làm mới cho hơn 178.000 lao động. 

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng xác định xây dựng TP. Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên 10 lĩnh vực. Các ngành của tỉnh đã phối hợp với  thành phố triển khai các đề án liên quan. Theo đó, giai đoạn 2014 - 2017, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,66%/năm. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch tích cực, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, đạt gần 67% năm 2016 và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong tổng giá trị gia tăng, là ngành kinh tế động lực cho quá trình phát triển của thành phố.

Thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt nhịp độ tăng trưởng cả giai đoạn là 19,71%/năm, chiếm 33,6% tổng thu ngân sách hàng năm trên địa bàn tỉnh. Giá trị gia tăng bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 68 triệu đồng năm 2016, cao gấp 2,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, các công trình hạ tầng được xây dựng làm thay đổi diện mạo của đô thị Vinh rất nhiều như: cầu Bến Thuỷ II, các cầu vượt đường sắt… Hiện nay thành phố đang thực hiện các dự án phát triển đô thị Vinh từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới với tổng mức 3.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Nhận diện thách thức

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 26 đặt ra không ít thách thức. Để đến năm 2020, Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp thì tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, được tỉnh đặt mục tiêu tương đương nhau là 39 - 40%, còn nông nghiệp 20 - 22%. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp - xây dựng lại chưa đạt như kỳ vọng.

Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác như: Tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… Theo tính toán của cơ quan chức năng, với mức tăng hàng năm khoảng 10% như hiện nay, thì đến năm 2020, thu ngân sách ước đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đưa ra là 25.000 tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên trên địa bàn. 

Trong khi đó, thực tế lại tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục như: Hạ tầng vùng miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa đồng bộ, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số đơn vị hiệu quả còn thấp, nhất là trên các lĩnh vực: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, hoàn thiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, nhất là ở cấp huyện, xã liên quan đến thủ tục đất đai. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Độ cho hay vấn đề đất đai là cản trở lớn nhất trong quá trình thu hút đầu tư, chủ yếu là ở cấp cơ sở chậm giải quyết. Có nhiều địa phương chần chừ, do dự. Đây là nút thắt phải có giải pháp.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, vai trò của TP. Vinh được xem là đầu tàu. Tuy nhiên, theo đánh giá việc xây dựng TP. Vinh thành trung tâm vùng trên 10 lĩnh vực còn chậm. Bí thư Thành ủy Vinh Võ Viết Thanh cho biết, theo các chuyên gia khuyến nghị, thành phố cần tập trung vào thế mạnh để có ưu tiên lựa chọn đầu tư như: Y tế, giáo dục, công nghệ thông tin. Bí thư Thành ủy Vinh cũng cho biết, thành phố đang rất kỳ vọng tiếp cận khoản vốn vay ODA 94 triệu USD của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để tiếp tục đầu tư, tạo động lực cho phát triển. 

Tập trung cho chỉ tiêu tăng trưởng

Đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, mô hình tăng trưởng của tỉnh chủ yếu đang dựa vào thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư của ngân sách Nhà nước cho hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực. Do đó, giải pháp cũng phải bám vào hướng này để nhận diện được khó khăn nhằm giải quyết, trong đó phải đánh giá cụ thể hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư với các số liệu về số vốn đăng ký, số vốn giải ngân, tỷ lệ dự án phát huy hiệu quả. Đây sẽ là những con số tham chiếu để đánh giá được hiệu quả việc thực hiện các thủ tục thu hút đầu tư. 

Công nhân làm việc ở Công ty TNHH MLB TENERGY tại huyện Yên Thành. Ảnh: Thành Duy

Dẫn chứng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Hemaraj còn chậm, mất thời gian khoảng 8 tháng, chưa kể khoảng thời gian trước đó doanh nghiệp này vào khảo sát, tìm hiểu tại tỉnh hoặc một số dự án lớn trên địa bàn còn vướng mắc chưa được giải quyết, việc “đeo bám” nhà đầu tư chưa thực sự quyết liệt… dẫn đến dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần có sự phân tích; từ đó đề ra nhiệm vụ rất chung và cả nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực hiện.

Nghị quyết 26 đã mang lại “cú hích” thực sự cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian để thực hiện không còn nhiều, trong khi giữa hiệu quả thực tế và mục tiêu đặt ra còn khoảng chênh tương đối. Mặc dù có những nguyên nhân khách quan như phương pháp tính tốc độ tăng trưởng chuyển từ GDP sang GRDP làm ảnh hưởng đến điểm phần trăm tăng trưởng, song vấn đề cốt lõi hơn là động lực cho tăng trưởng là các doanh nghiệp lại chưa thực sự mạnh; nguồn thu lớn, chủ lực vẫn còn ít, năm 2016 mới chỉ có 59 doanh nghiệp nộp thuế trên 10 tỷ đồng.

Từ đó, việc nhìn nhận, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, dự báo được tình hình một cách toàn diện trên cơ sở thực tiễn để có giải pháp căn cơ, tạo đột phá phát triển theo tinh thần, mục tiêu Nghị quyết 26 là nội dung đang được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo thực hiện rốt ráo.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN