Từ sự chủ quan, không trung thực của người dân
Sau một thời gian khống chế được dịch Covid-19, gần đây số ca nhiễm ở Nghệ An có xu hướng tăng, nhất là từ khi công dân làm ăn, sinh sống ở các tỉnh phía Nam hồi hương. Tính từ đầu mùa dịch đến nay (13/8), toàn tỉnh ghi nhận 184 ca nhiễm là những người trở về từ miền Nam, nhiều nhất là Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Nguy cơ lây nhiễm và bùng phát sẽ được hạn chế nếu tất cả người dân nêu cao cảnh giác, chấp hành tốt khuyến cáo “5K”, đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch tự giác và trung thực trong khai báo y tế. Nhưng trên thực tế, có lúc, có nơi vẫn có người tránh khai báo hoặc khai báo không trung thực để trốn cách ly y tế.
Đơn cử, gần đây ở thị xã Hoàng Mai có 6 công dân thuộc xã Quỳnh Vinh trở về từ Hà Nội nhưng lại khai báo từ Hà Nam để tránh cách ly. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân V.L.Q ở phường Quỳnh Thiện lái xe vào tỉnh Đồng Nai đón 3 người về Nghệ An với giá 17 triệu đồng. Khi trở về, bệnh nhân này không đến trạm y tế khai báo ngay mà về nhà tiếp xúc với vợ con, rồi đi ăn sáng, rửa xe, cắt tóc, chở khách vào TP. Vinh và tiếp xúc thêm nhiều người.
Khi hay tin 1 trong 3 hành khách trở về từ Đồng Nai dương tínhvới Covid-19, V.L.Q mới đi khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Sự thiếu ý thức và gian dối này đã gây hệ lụy cho cộng đồng, xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Nếu ngay từ đầu, bệnh nhân V.L.Q có ý thức khai báo trung thực hoặc có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể và người dân địa phương chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Trước đó, một gia đình ở xã Lăng Thành (Yên Thành) có 7 thành viên đi xe cá nhân từ tỉnh Bình Dương về địa phương một ngày sau mới đến trạm y tế khai báo. Tại đây, nhân viên y tế xác định khu vực những người này xuất phát đang thực hiện Chỉ thị 16, buộc phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, 7 người này không chấp hành và tự ý lái xe bỏ đi, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng công an, dân quân và các Tổ giám sát Covid -19 cộng đồng truy tìm, cưỡng chế cách ly theo quy định.
Qua những trường hợp kể trên, một lần nữa chúng ta nhận thấy vai trò quan trọng của Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng trong vấn đề tìm hiểu, xác minh các yếu tố liên quan đến dịch tễ cũng như tình hình của công dân trên địa bàn. Nhất là việc nắm bắt thông tin những người từng tiếp xúc với người nghi nhiễm và các trường hợp trở về từ vùng dịch để kịp thời có giải pháp xử lý.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Nhiệm vụ của tổ là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để: Thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Tổ còn có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã/phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.
Thực tế đã chứng minh trong nhiều đợt dịch, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Tiêu biểu như ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), Tổ giám sát được thành lập trên cơ sở các Tổ liên gia tự quản, nói đúng hơn là có sự lồng ghép nội dung phòng, chống dịch Covid-19 trong sinh hoạt của tổ tự quản. Theo đó, toàn xã có 41 Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, mỗi tổ từ 18-15 hộ gia đình cư trú cùng địa bàn.
Tổ trưởng là người phụ trách chung, hàng ngày nắm tình hình, khâu nối thông tin với Ban chỉ đạo. Các thành viên có nhiệm vụ giám sát các hộ trong tổ, các hộ giám sát lẫn nhau, khi phát hiện có người từng tiếp xúc với ca bệnh hay người trở về từ vùng dịch kịp thời báo cho tổ trưởng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổ trưởng Tổ 8 thuộc xóm Làng Phan (Hưng Tân), tổ có 28 hộ gia đình sống gần nhau, hàng ngày các thành viên nhắc nhở nhau giữ vệ sinh, thực hiện tốt “5K”. Đặc biệt, khi có người ở xa về hay có khách xa đến thăm nhà cần khai báo y tế. Gia đình nào có thành viên đang ở vùng có dịch đều được khuyên “ở yên tại chỗ”, nếu trở về cần khai báo và thực hiện cách ly.
“Xã Hưng Tân có 4 xóm, nếu thành lập Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng theo đơn vị xóm có thể khó bao quát. Thành lập theo Tổ tự quản liên gia sẽ phát huy hiệu quả cao, bởi các hộ sinh sống theo từng cụm dân cư sẽ giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ, ý thức, trách nhiệm của các hộ gia đình cũng được nâng cao. Nhờ đó, đến nay Hưng Tân chưa xảy ra tình trạng vi phạm quy định về phòng, chống dịch”.
Còn ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ), cùng với 7 Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng của 7 xóm, xã còn thành lập 63 tổ trên cơ sở 63 Tổ liên gia, nâng tổng số toàn xã lên 70, chưa kể Tổ tuyên truyền của xã. “Với số lượng hơn 70 Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng hoạt động thường xuyên, tất cả các thông tin quan trọng đều được báo cáo về Ban chỉ đạo cấp xã. Các tổ đều tích cực hoạt động, bám sát địa bàn nên đến thời điểm hiện nay công tác phòng, chống dịch đang được thực hiện tốt” - ông Trịnh Huy Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Trở lại xã Lăng Thành (Yên Thành), theo ông Đậu Xuân Tú - Phó Chủ tịch UBND xã, xã đã triển khai 7 Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, mỗi tổ có 8 thành viên, gồm Bí thư chi bộ, xóm trưởng và các thành viên ban công tác Mặt trận cùng 3 công dân có uy tín trong cộng đồng.
Mỗi thành viên phụ trách 1 đến 2 tổ liên gia để nắm các biến động về dân cư cũng như các trường hợp đi, về địa phương, kịp thời báo với Ban chỉ đạo cấp xã để xử lý kịp thời. Thành viên các Tổ giám sát Covid -19 cộng đồng có nhiệm vụ giám sát các trường hợp cách ly tại nhà; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, thời gian gần đây đã phát hiện được một số trường hợp vi phạm quy định, giúp Ban chỉ đạoxã kịp thời có phương án xử lý.
Như vậy, thời điểm hiện nay, tùy tình hình thực tế, các địa phương cần khích lệ tính sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động của các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.