Kiên quyết đình chỉ các vị trí, nơi làm việc không đảm bảo an toàn
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, bởi liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của chính các đơn vị sử dụng lao động.
Và một số mục tiêu đáng quan tâm về công tác ATVSLĐ năm 2019 mà Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đặt ra là giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người so với năm 2018; 100% số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật; 100% người lao động đã xác nhận bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.
Điều quan trọng là để tiếp tục tạo ra bước chuyển về nhận thức và hành động trong công tác ATVSLĐ từ các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, nhằm giảm số vụ tai nạn lao động, tạo môi trường lao động an toàn, nâng cao sức khỏe của người lao động trong năm 2019, UBND chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ; tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Song song với đó là thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm định đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ, tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN, kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các vị trí, nơi làm việc, các máy móc, thiết bị không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ.
Có 544 người chết do tai nạn lao động
Thực tiễn ở Nghệ An, tính đến thời điểm 31/12/2018, có hơn 13.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Trong số đó có gần 2.100 doanh nghiệp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: thi công công trình xây dựng; doanh nghiệp hoạt động khoáng sản; dệt, may; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; vệ sinh môi trường…
Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chăm lo công tác huấn luyện ATVSLĐ; đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật.
Theo đó, ý thức chấp hành ở nhiều doanh nghiệp có sự chuyển biến và chú ý đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Kết quả kiểm tra năm 2018 tại 184 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản của 2 đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã có 37 biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực ATVSLĐ được lập, và kiến nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã quyết định xử phạt hơn 340 triệu đồng.
Bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chưa có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ.
Mặt khác, về phía chính người lao động cũng đang chủ quan, thậm chí thờ ơ với sự an toàn và sức khỏe của chính bản thân mình. Điều này dẫn đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; tình hình tai nạn lao động chết người vẫn còn diễn ra.
Theo thống kê qua sổ khai tử tư pháp tại 480 xã, phường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2018, có 544 người chết do tai nạn lao động (bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người lao động tự do đi làm việc trên cả nước, và lao động đi làm việc ở nước ngoài).
Riêng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn lao động làm 31 người bị nạn, trong đó có 7 người chết/04 vụ.
Bên cạnh tại nạn lao động, qua tổ chức khám sức khỏe định kỳ do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức năm 2018 cho 43 lượt đơn vị đã phát hiện một số bệnh nghề nghiệp ở người lao động, như bệnh bụi phổi silic, bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh lao nghề nghiệp, bệnh hen phế quản, bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh rung chuyển nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật và bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh...