(Baonghean) - Những năm gần đây, công tác đảm bảo an toàn lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp được ngành Y tế Nghệ An chú trọng đẩy mạnh. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn lao động được khám sức khỏe định kỳ, được tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, người sử dụng lao động và người lao động ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động.

Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;  góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, tai nạn lao động (TNLĐ) gây thiệt hại lớn về người và tài sản cũng như những mất mát về tinh thần rất khó bù đắp đối với nhiều gia đình và xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của cộng đồng.

Để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến TNLĐ; cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

1507085377763.jpgCán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Đinh Nguyệt

Thời gian qua, ngành Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã nỗ lực tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tư của Bộ Y tế về công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động. Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã tổ chức 13 lớp tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh lao động, huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho 424 cơ sở với 729 học viên; là các chủ sử dụng lao động và người lao động.

Từ đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động. Người lao động nâng cao ý thức chủ động chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội quy, quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; trang bị, trau dồi các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.

Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn chuyên ngành về kỹ năng giám sát môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp cho 560 đơn vị y tế với 607 học viên. Phối hợp với 83 đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh đã tiến hành đo, kiểm tra môi trường lao động. Từ năm 2013 – 2015, trung bình mỗi năm Trung tâm phối hợp thu hơn 3.000 mẫu đo môi trường lao động. Công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị có yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp cũng được ngành Y tế chú trọng.

Trong 5 năm qua, có tổng số 181 lượt cơ sở y tế và cơ sở sản xuất đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ; với gần 65 nghìn lượt người lao động tại cơ sở y tế và cơ sở sản xuất đã được khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời triển khai phối hợp với 24 cơ sở lao động tổ chức khám bệnh nghề nghiệp; với 5.582 lượt người lao động được khám. 

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại và Công ty TNHH một thành viên MASAN MB. Ảnh: Đinh Nguyệt

Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai tập huấn sơ cứu cho học viên là người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị về an toàn vệ sinh. Người lao động được kiểm tra phát hiện, phân loại nhóm bệnh có nguy cơ số người mắc cao như nhóm bệnh về mắt, tật khúc xạ, bệnh lý gan mật, tai mũi họng, huyết áp, tim mạch, dạ dày, tá tràng.

Hệ thống y tế dự phòng cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng triển khai kế hoạch hoạt động hưởng ứng tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ và PCCN hàng năm và kế hoạch hoạt động phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và kế hoạch cộng đồng năm. 

Công tác an toàn vệ sinh lao động là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động; tuân thủ thực hiện để xây dựng môi trường lao động an toàn gắn với phát triển bền vững. Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh công tác y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập trung các giải pháp: Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời tiếp tục triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và chủ doanh nghiệp và người lao động; mở rộng lĩnh vực phối hợp, tăng số lượng đơn vị, doanh nghiệp phối hợp để triển khai khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp… 

Đinh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN