Phá 81 vụ, bắt giữ 248 đối tượng

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao như tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng internet, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử chưa được cấp phép để huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép; lắp đặt thiết bị sao chép, trộm cắp dữ liệu thẻ (thiết bị skiming) tại máy rút tiền tự động ATM để chiếm đoạt tiền trong tài khoản; giả danh cán bộ các cơ quan nhà nước, người nước ngoài, nhân viên giao hàng…để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

bna_bi_cao_trung_quoc6522661_25820203590501_2252021.jpgCác bị cáo người Trung Quốc bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Điển hình như ngày 25/8/2020, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Yang Chang Cai (Dương Trường Tài, SN 1986; Lian Yu (Luyện Vũ, SN 1984), Deng Cong Cong (Đặng Thông Thông, SN 1990), cùng trú  tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng này đã bí mật cài các thiết bị điện tử có gắn camera siêu nhỏ ở cây ATM rồi lấy cắp dữ liệu, làm thẻ giả chiếm đoạt tiền của nhiều người Việt Nam.Các đối tượng khai đã làm 316 thẻ ATM giả, chiếm đoạt của 29 khách hàng đến từ nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam, trong đó có Nghệ An… với tổng số tiền hơn 279 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ 3 đối tượng người Trung Quốc làm thẻ ATM giả. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Mới đây, ngày 21/5/2021, công an huyện Nam Đàn cho biết: Đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can: Dương Văn Tiệp (SN 1987), Dương Văn Tư (SN 1993) là anh em ruột, trú tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bằng thủ đoạn giả danh nhân viên nhà mạng Viettel, nhân viên ngân hàng gọi điện cho nhiều bị hại để chiếm đoạt 139 triệu đồng.

Trước đó, trong tháng 4/2021, Công an huyện Nam Đàn nhận được đơn tố giác tội phạm của chị Đ.T.T, trú tại xã Nam Anh (Nam Đàn) về việc bị một số đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt 89 triệu đồng. Công an huyện Nam Đàn đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Đến 10 giờ ngày 13/5/2021, Công an huyện Nam Đàn đã tiến hành bắt giữ 2 anh em ruột Dương Văn Tiệp, Dương Văn Tư, khám xét khẩn cấp tại chỗ ở của các đối tượng, thu giữ 17 triệu đồng, 1 thẻ ATM, 3 điện thoại di động.

Hai anh em Dương Văn Tiệp, Dương Văn Tư. Ảnh: Đức Vũ

Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai đã sử dụng các cuộc gọi trên nền tảng Internet, giả danh nhân viên nhà mạng Viettel, nhân viên ngân hàng gọi cho các bị hại thông báo kết quả quay số ngẫu nhiên trúng thưởng, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để nhận thưởng. Ngoài chiếm đoạt số tiền 89 triệu đồng của chị Đ.T.T, trú tại huyện Nam Đàn, với thủ đoạn tương tự, từ đầu tháng 3/2021 đến giữa tháng 4/2021, Tiệp và Tư đã lừa đảo nhiều bị hại khác trú tại các tỉnh Sơn La, Tiền Giang, Hưng Yên, Tây Ninh để chiếm đoạt số tiền hơn 50 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn sử dụng các phương thức, thủ đoạn như rao bán số lô đề, rao bán bằng cấp, giấy phép lái xe giả, tiền giả, sim số đẹp trên mạng, chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, mạo danh người thân, bạn bè để chiếm đoạt tài sản. Ví như trường hợp chị B.T.T ở xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc, vì nghe theo lời rủ rê chơi số đề của một tài khoản facebook mang tên “Nguyễn Công Thuận” nên đã nhiều lần chuyển cho đối tượng tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi mất nhiều tiền, chị B.T.T đã trình báo Công an huyện Nghi Lộc.

Sau khi lập chuyên án 118L để đấu tranh, Công an Nghi Lộc đã xác minh được 16 đối tượng liên quan trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, và bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Nhật Rôn đều SN 1995.  Vụ án sau đó được xét xử, Nguyễn Nhật Rôn bị xử 30 tháng tù giam, Nguyễn Phúc 12 tháng tù giam.

Một số đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao bị Công an Nghi Lộc phối hợp bắt giữ, xử lý. Ảnh: CSCC

Theo Công an huyện Nghi Lộc: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là hình thức tội phạm mới, có tính chất, mức độ gây thiệt hại đặc biệt lớn, được Interpol đặt ngang hàng với tội phạm khủng bố. Sớm nhận diện loại tội phạm này, chỉ trong thời gian ngắn, Công an huyện Nghi Lộc đã triệt phá được nhiều chuyên án lớn cả ngoại tỉnh và trong tỉnh.

Trong đó, một trong những hình thức mà tội phạm sử dụng công nghệ cao thường áp dụng là giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện, làm giả các lệnh bắt gửi qua Zalo để đe dọa các nạn nhân có dính líu đến buôn ma túy, rửa tiền và yêu cầu nạn nhân chuyển hết tiền vào tài khoản để điều tra. Hoặc các đối tượng phạm tội sẽ lập các facebook giả danh người nước ngoài, sau đó nhắn tin làm quen các phụ nữ nhẹ dạ để lấy lòng tin. Tiếp đó thông báo gửi quà từ nước ngoài về và phối hợp với đồng bọn yêu cầu nạn nhân gửi chi phí nhận quà.

Một số đối tượng khác thì tìm các tài khoản facebook bán hàng online để lừa đặt mua hàng với số lượng lớn như vụ việc của đối tượng Nguyễn Minh Tuấn ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Tuấn đã lập Facebook giả danh Việt kiều ở nước ngoài để đặt mua hàng của các nạn nhân trong nước. Sau khi lừa đặt hàng và sẽ chuyển tiền, Tuấn xin số tài khoản của bị hại, rồi sử dụng dịch vụ nhắn tin SKYPE có đầu số nước ngoài nhắn cho nạn nhân với nội dung ngân hàng nước ngoài thông báo có tiền sắp chuyển vào tài khoản. Rồi Tuấn gửi kèm một đường truy cập do hắn tự tạo giả mạo các ngân hàng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền Westernunion.

Đối tượng Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh tư liệu: Nhật Tuấn

Khi nạn nhân nhập mật khẩu tài khoản trên đường truy cập đó thì Tuấn chiếm luôn tài khoản, rút toàn bộ tiền mà nạn nhân có. Chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, trong số các nạn nhân bị Tuấn lừa có chị N.T.T ở xã Bồi Sơn (Đô Lương, Nghệ An) bị chiếm đoạt 200 triệu đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an Nghệ An đã phát hiện, điều tra làm rõ, bắt giữ 81 vụ, 248 đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền sử dụng đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng, số tiền bị chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng

Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân, ảnh hưởng đến hình hình an ninh trật tự. Ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trong đó yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao để cán bộ, nhân dân biết, cảnh giác, tố giác tội phạm và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phòng ngừa việc sử dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật. Đồng thời chủ động có biện pháp nâng cao tính bảo mật, an toàn mạng máy tính và dữ liệu khi kết nối; truy cập không gian mạng.

Công an huyện Nghi Lộc truy vết tội phạm trên không gian mạng, phá nhiều chuyên án lớn. Ảnh tư liệu: Hoài Thu
UBND tỉnh cũng yêu cầu: Công an tỉnh Nghệ An tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là các đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trên không gian mạng với quy mô lớn liên tỉnh, có yêu tố nước ngoài.
Các thẻ ATM giả được các đối tượng phạm tội đưa từ Trung Quốc sang. Ảnh tư liệu: Xuân Bắc
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quảng cáo…tích hợp trên các dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin nhằm phòng ngừa tội phạm này hoạt động.

Sở Công Thương tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra nội dung, điều kiện hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, chủ động phòng ngừa tội phạm lợi dụng hoạt động, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý hoặc trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra các cấp điều tra, xử lý.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn nâng cao tính bảo mật trong giao dịch trực tuyến, qua thẻ ngân hàng; chủ động phòng ngừa thủ đoạn lắp đặt các thiết bị điện tử vào máy ATM để thu thập dữ liệu thông tin khách hàng, qua đó làm giả thẻ ATM chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Đồng thời phối hợp tốt với cơ quan điều tra các cấp trong công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm, phong tỏa các tài khoản có liên quan khi có yêu cầu.
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng PA05). Ảnh: Bình Nguyên

UBND tỉnh cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện thành, thị trên cơ sở của Chỉ thị 17/CT-UBND xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương; chỉ đạo các phòng, ban ngành đoàn thể, chính quyền cấp xã thực hiện toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị đối với công tác này.

Tuy nhiên bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, của cả hệ thống chính trị, bản thân mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị sập bẫy lừa đảo của những đối tượng sử dụng công nghệ cao./.