Sáng nay, 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Một trong những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau tại dự luật này là quy định bổ sung một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (từ Điều 32 đến Điều 38 của dự thảo Luật).
Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Ngược lại, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp không đồng tình với quy định về bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành về số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Riêng quy định về mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần nghiên cứu để mở rộng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia.
Giải trình làm rõ thêm nội dung này tại phiên thảo luận, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, về quy định bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hiện Chính phủ cũng đang đưa ra 2 phương án: bổ sung hoặc không bổ sung.
“Trước diễn biến ngày càng gia tăng và phức tạp của tội phạm trên biển, tội phạm về thuế, chứng khoán, chúng tôi đề xuất giao cho các cơ quan này được một số thẩm quyền điều tra ban đầu với một số vụ việc cụ thể, có thể tiến hành trong phạm vi 7 ngày, ra kết luận xử lý hành chính hoặc giao cho cơ quan điều tra thụ lý tiếp” – Thượng tướng Lê Quý Vương nêu quan điểm.
Tương tự, về hoạt động của lực lượng bộ đội biên phòng, Thượng tướng Lê Quý Vương đề nghị cần tăng thêm cho lực lượng này được một số thẩm quyền điều tra vì đường biên giới của ta rất rộng, không thể bố trí các đồn cho xuể.
Đặc biệt, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc bổ sung Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao được giao thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra là rất cần thiết, bởi loại tội phạm này đang ngày càng nhức nhối. “Vừa qua ngoài các vụ trong nước, chúng tôi phải giải quyết hàng chục vụ án người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lợi dụng địa bàn Việt Nam để tổ chức hành vi phạm tội công nghệ cao tại nước mình” – Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính trung ương đề nghị, cần quy định rõ việc mở rộng đầu mối cơ quan điều tra trong lực lượng công an. “Cụ thể là mở rộng cơ quan điều tra về tội phạm công nghệ cao và đặt trong bộ phận cảnh sát hình sự, vì đây là nhu cầu thực tế ngày càng cấp thiết, cần đặt đây là cơ quan điều tra chính thức chứ không phải bán điều tra” – ông Nguyễn Doãn Khánh phân tích.
Tuy nhiên với việc mở rộng một số cơ quan ngoài ngành công an được giao thẩm quyền điều tra, ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, bởi nếu không, vừa chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan điều tra, vừa không đáp ứng tinh thần tinh gọn bộ máy, đầu mối cơ quan điều tra.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm đồng tình với việc “mở rộng thêm một chút” thẩm quyền điều tra cho bộ đội biên phòng để đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong thực tiễn tình hình mới. Tương tự cần mở rộng thêm một số thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đồng tình bổ sung thẩm quyền điều tra cho Kiểm ngư, nhưng đề nghị cần tính toán việc giao thẩm quyền đến đâu để không biến thành cơ quan điều tra. “Đã giao thẩm quyền thì phải tính đến đặc thù chứ đừng quá hạn chế trong bao nhiêu ngày phải chuyển giao bởi phạm vi hoạt động trên biển mênh mông, tìm được công an hay cơ quan điều tra thì rất phức tạp” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo an ninh thủ đô