(Baonghean)- Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã yêu cầu các ngành, thành phố Vinh, các thị xã và các huyện nghiêm túc rà soát các dự án, kiên quyết không 'để lọt'.

Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ dự án chậm triển khai 

Những năm qua đã có hàng trăm dự án đăng ký đầu tư tại Nghệ An với đa dạng các lĩnh vực như: bất động sản, showroom, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, khu đô thị, khách sạn, nhà máy... Chỉ tính từ 2014 đến nay đã có hàng trăm dự án đầu tư và trong số đó có 357 dự án đưa vào diện kiểm tra sau rà soát của các ngành, địa phương. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2014 - 2017, UBND tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, tùy vào nhóm dự án, trưởng đoàn kiểm tra là lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường (đối với nhóm dự án đã được giao đất, cho thuê đất), Xây dựng (đối với nhóm dự án mới được phê duyệt quy hoạch), Kế hoạch và Đầu tư (đối với các dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư), tiến hành kiểm tra 357 lượt dự án. Trong đó, năm 2014 kiểm tra 75 dự án; năm 2015 kiểm tra 74 dự án; năm 2016 kiểm tra 103 dự án và năm 2017 là 105 dự án.

1501487384666.jpgLãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án chậm triển khai ở Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Châu Lan.


Theo đó, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ từ năm 2014 đến 2017 là 62 dự án. Cụ thể năm 2014, thu hồi 24 dự án; năm 2015 thu hồi 12 dự án, năm 2016 hủy bỏ, thu hồi 27 dự án, năm 2017 đã có quyết định thu hồi 3 dự án. Con số này làm “giật mình” dư luận, bởi số lượng lớn các dự án không triển khai và thêm nữa con số 88 dự án đang cho gia hạn, 29 dự án đang trong quá trình xem xét thu hồi càng cho thấy, sự thật khó khăn về sản xuất, kinh doanh và năng lực không mấy sáng sủa của không ít nhà đầu tư khi đăng ký dự án. 

Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Nghệ An hiện thu hút hàng trăm dự án bất động sản và trung tâm thương mại. Trong đó nhiều dự án lâu nay vẫn chậm triển khai và chưa thu hồi được. 

Dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng, biệt thự, biệt thự liền kề, siêu thị và văn phòng cho thuê ở khối 13, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, chủ đầu tư là Công ty CP công trình Đường sắt là một ví dụ. Dự án có quy mô: 41.989m2, được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng “Khu nhà ở chung cư cao tầng, biệt thự, biệt thự liền kề, siêu thị và văn phòng cho thuê” tại Quyết định số 1078/QĐ-UBND.ĐT ngày 31/3/2009. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Ngày 10/12/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 5813/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai trên địa bàn, trong đó có nội dung: Chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho chủ đầu tư, tham mưu chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án khu nhà ở cao tầng, biệt thự, biệt thự liền kề, siêu thị và văn phòng cho thuê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Dự án Trung tâm Thương mại khách sạn và nhà hàng của Công ty CP Thảo Nguyên (xã Nghi Phú, thành phố Vinh) sau nhiều năm không thực hiện, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi. Trên địa bàn thành phố Vinh kiểm tra 12 dự án năm 2016, UBND tỉnh đã thu hồi 2 dự án là Dự án Cải tạo môi trường và xây dựng khu dịch vụ thương mại, nhà ở tổng hợp (diện tích quy hoạch 135,9ha) tại các phường: Đông Vĩnh, Đội Cung và Cửa Nam của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng Công nghệ mới, dự án Trường Đại học công nghệ miền Trung (diện tích 27,691ha) tại các xã Nghi Ân và Nghi Đức - TP. Vinh của Công ty CP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực miền Trung. 

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã tham mưu thu hồi 2 dự án: Dự án Trung tâm sinh thái, sinh vật cảnh tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh của Hội Sinh vật cảnh Nghệ An; Dự án Khu đô thị Viễn thông và Công nghệ thông tin, diện tích quy hoạch 7,78 ha tại phường Bến Thủy - TP. Vinh của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện.

Sau khi kiểm tra, tổ chức họp ở thành phố Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, thu hồi tiếp 4 dự án sau: Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven Sông Lam của Công ty TNHH Hà Thành (Thanh Hóa) tại xã Hưng Hòa (TP. Vinh) và xã Nghi Thái- Nghi Lộc, diện tích đất dự án: 1.033.707,0 m2; Khu biệt thự cao cấp, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí của Công ty CP Sài Gòn - Trung Đô Vinh tại phường Trung Đô - TP. Vinh, diện tích đất dự án 136.757,7 m2; Khu nhà ở đô thị Sơn Hà của Công ty CP xây dựng Sơn Hà tại xã Nghi Liên (TP. Vinh); Dự án Khu nhà ở tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân (TP. Vinh) do Công ty CP Him Lam Nghệ An làm chủ đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế xử lý đối với dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC Vinh Plaza tại số 92 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đối với các dự án còn lại khác đã nộp tiền ký quỹ đầu tư, được gia hạn chậm nhất đến ngày 30/12/2018 phải hoàn thành dự án. 

Ở thị xã Cửa Lò, có tới 10 dự án bất động sản chậm tiến độ với diện tích đất đã được cấp cho các dự án này là gần 400.000 m2. Việc triển khai chậm tiến độ của các dự án đã ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Cửa Lò. Đơn cử một số dự án chậm triển khai: Dự án BMC Cửa Lò Plaza do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, với diện tích đất hơn 5.000 m2, đến nay chưa triển khai xây dựng hạng mục nào. Dự án Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng do Công ty CP Xây dựng Sông Hồng thực hiện, trên diện tích sử dụng đã được phê duyệt gần 10.000 m2, tiến độ thực hiện xây dựng từ năm 2012 - 2015; hiện nay, dự án mới chỉ dừng lại ở hoàn thành san lấp, GPMB, xây tường rào bao quanh, các hạng mục khác chưa triển khai. Khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại du lịch do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân; dự án Trung tâm chăm sóc người cao tuổi do Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nghệ An làm chủ đầu tư; dự án Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội được UBND tỉnh cấp hơn 27.000 m2...

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm Luật Đất đai (chậm thực hiện dự án) đối với 8 dự án và thu hồi một dự án là Siêu thị và khách sạn BMC Cửa Lò (0,52ha) tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC.

Dự án Khu Liên hợp khách sạn du lịch và biệt thự chung cư cao cấp TX. Cửa Lò dở dang nhiều năm nay. Ảnh: Trân Châu.

Ở các huyện, thị khác, một số dự án cũng bị hủy bỏ, như Tòa nhà Plaza Nam Đàn của Ngân hàng Đại dương ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn cũng bị chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy CNĐT và các hủy bỏ các văn bản liên quan. 

Trong sạch môi trường đầu tư từ xử lý đất đai

Vài năm gần đây, không ít nhà đầu tư khi vào đầu tư tại Vinh, TX.Cửa Lò phản ánh phải “mua lại” dự án hoặc phải xử lý các vấn đề của dự án cũ trên khu đất mới nên rất phiền hà, tốn kém và phải chịu cảnh chờ đợi do thanh lý dự án, giải phóng mặt bằng. Một số nhà đầu tư rất muốn vào đầu tư nhưng ngại cảnh “đất đã có chủ” nên thôi. Thị trường bất động sản có lúc “nóng” tạo làn sóng đầu tư dâng cao, nhưng mấy năm lại nay lại “thoái trào” nên không ít các nhà đầu tư nằm im chờ thời cơ; một số lại không đủ năng lực đầu tư nên phải găm đất để hoang.

Đó là thực tế ở nhiều tuyến đường đắc địa như Đại lộ Lê nin, Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh hay các phường, xã ngoại thành của thành phố Vinh như Hưng Hòa, Nghi Phú, Nghi Ân... Nhiều người dân bức xúc khi những dự án được cấp phép từ năm 2010 đến nay vẫn không triển khai ở Nghi Phú, Hưng Hòa, song vẫn chưa thu hồi được. 

Tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, sau khi nghe báo cáo tình hình các dự án, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã thẳng thắn nêu câu hỏi: Liệu có tình trạng “ thu hồi giả” không, có “bỏ sót” các dự án không triển khai mà không bị thu hồi và sau thu hồi rồi thì cần làm gì, hay lại để hoang? “Mấy năm lại đây, UBND đã mạnh mẽ trong vấn đề thu hồi đất. Tính từ năm 2012 lại nay, Nghệ An đã thu hồi được trên 100 dự án. Mặc dù vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, còn tình trạng điều chỉnh dự án quá nhiều lần, việc thu hồi dự án chưa dứt điểm. Bởi vậy, UBND tỉnh tiếp tục thu hồi các dự án, tạo ra một bước đột phá mới trong quản lý đất đai, làm trong sạch môi trường đầu tư, thu hút được những nhà đầu tư thật, nhà đầu tư có năng lực, nhà đầu tư có trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ. 

Cần rà soát những khu đất dự án đang để không ở dọc Đại lộ Lê nin và Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh (TP. Vinh). Ảnh: Trân Châu

Cũng tại cuộc họp, một số địa phương cho rằng, cần quyết liệt thu hồi các dự án, không nên tiếp tục gia hạn nhất là đối với các dự án chưa triển khai. Ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nêu: Một số dự án tại TX.Cửa Lò ngành tham mưu đã tham mưu chưa đúng với tỉnh, nên khi triển khai xử lý chưa phù hợp và cần tiếp tục thu hồi nhiều dự án. 

Theo từng nhóm dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận: Đối với 62 dự án đã thu hồi cần tiếp tục kêu gọi và thu hút đầu tư mới. Đối với các dự án đề nghị tiếp tục thu hồi (29 dự án), chậm nhất ngày 30/8/2017 phải có văn bản trình để UBND tỉnh ký thu hồi. Đối với 88 dự án đang cho gia hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại và phối hợp với các ngành theo dõi, rà soát, yêu cầu đến ngày 30/9. UBND thành phố Vinh và các thị xã cần rà soát các loại dự án gửi về UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị từ nay không chia các dự án thành các nhóm do các sở, ban, ngành chủ trì mà chỉ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chung.

Thực tế, việc bỏ sót dự án không làm mà không thu hồi, không kiên quyết, quan điểm không rõ ràng trong thu hồi đất đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phát triển của địa phương, làm mất đi cơ hội của nhà đầu tư khác và cũng mất đi cơ hội của tỉnh. Việc hạn chế chuyển nhượng dự án, thu hồi không đúng Luật Đất đai, không thu hút lấy được để rồi đất đai bỏ hoang là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trân Châu 

TIN LIÊN QUAN