Lời mời gọi từ cánh đồng hoa, trái

Nếu đầu năm tìm về những điểm linh thiêng vãn cảnh và cầu an, cầu lộc; giữa năm xuống biển hay lên rừng với khe, thác để “giải nhiệt” thì cuối năm là cơ hội tìm về với làng quê. Phong cảnh và nhịp sống bình yên nơi thôn dã, bản làng sẽ làm vơi bớt những âu lo, muộn phiền trong công việc mưu sinh, mang đến niềm thư thái và ấm áp trong những ngày cuối năm đầy bận rộn.

bna_014095597_7122020.jpgVề với làng quê là về với những vườn cây trĩu quả. Ảnh: Công Kiên

Về với làng quê, nghĩa là về với những vườn cây trĩu quả, những cam, hồng, ổi chín mọng và ngát hương thơm nồng. Sau một năm tất bật chăm sóc, vun trồng, trải qua những tháng ngày nắng đốt đến mưa dầm, đây là lúc người nông dân gặt hái quả ngọt.

Những vùng chuyên canh cây ăn quảlớn, đặc biệt là cây cam đang trở thành những điểm hấp dẫn du khách như Xã Đoài (Nghi Lộc), Yên Thành, Con Cuông, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp… Đã có nhiều du khách tìm đến những nơi này để nếm vị ngọt lành của trái cam, thưởng thức hương vị thơm ngon của trái ổi, rảo bước giữa những khu vườn, trang trại mênh mông. Vừa thưởng thức, vừa trải nghiệm cuộc sống, lao động của người nông dân và khung cảnh, nhịp sống ở nông thôn.

Về với thôn quê còn về với những cánh đồng hoa bạt ngàn đua nhau khoe sắc, mang lại niềm hứng khởi dạt dào trước không gian ngập tràn hương sắc. Ảnh: Sách Nguyễn

Về với thôn quê còn về với những cánh đồng hoa bạt ngàn đua nhau khoe sắc, mang lại niềm hứng khởi dạt dào trước không gian ngập tràn hương sắc. Thung lũng hoa Phủ Quỳ, Trương Gia Trang ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) mỗi ngày đón hàng nghìn du khách đến thưởng ngoạn và check in.

“Tôi quê Nghệ An, hiện đang làm việc ở Hà Nội. Qua báo chí  và mạng xã hội, tôi thấy ở quê có thung lũng và vườn hoa đẹp, khung cảnh chẳng khác gì ở Đà Lạt nên rủ bạn bè về Phủ Quỳ để khám phá, trải nghiệm. Nơi đây thực sự hấp dẫn, những vườn hoa bạt ngàn đã mang lại cảm giác ấm áp và thú vị, như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh”.

Chị Phan Thúy Quỳnh

Đồi Hoa Xuân Thái Hòa đã mở cửa và thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Sách Nguyễn

Đặc biệt, đồi hoa xuân Thái Hòa đã khai trương, đón khách vào cuối tháng 11 và cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn sắp nở rộ sẽ tạo sức lôi cuốn đối với hàng vạn du khách, nhất là giới trẻ. Nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh, thuận lợi cho việc di chuyển nên từ mấy năm trước đồi hoa xuân và đồi hoa hướng dương đã thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày.

Nét đẹp quyến rũ của Trương Gia Trang (Nghĩa Đàn). Ảnh: Sách Nguyễn

Đây thực sự đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá về danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ An. 

Hơi ấm bản làng

Sau khi thưởng thức, khám phá vẻ đẹp rực rỡ của những cánh đồng hoa và vị ngọt lành của cây trái, du khách có thể tiếp tục ngược hành trình lên vùng cao trải nghiệm phong cảnh núi rừng cuộc sống ở các bản làng. Bởi miền Tây Nghệ An có núi sông hùng vĩ và thơ mộng, bản làng trù phú và bình yên.

Mùa này, du khách có thể lên vùng cao trải nghiệm phong cảnh núi rừng cuộc sống ở các bản làng ở vùng Mường Quạ (Con Cuông). Ảnh: Sách Nguyễn

Mùa Đông – Xuân thực sự thích hợp với loại hình du lịch cộng đồng. Ở miền Tây Nghệ An đã xây dựng được những điểm đến lý tưởng như bản Khe Rạn (Bồng Khê), bản Nưa (Yên Khê), bản Xiềng (Môn Sơn) thuộc huyện Con Cuông; bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương…

Đến với các điểm du lịch cộng đồng này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa Thái với những phong tục, tập quán và đời sống tâm linh được tái hiện một cách rõ nét. Lắng nghe làn điệu khắp, lăm, nhuôn, xuối để nắm bắt đời sống tâm hồn của cộng đồng người Thái, hòa mình vào điệu xòe, điệu lăm vông quyến rũ để cảm nhận nét uyển chuyển, tinh tế của những cô gái miền sơn cước.

Đến với các điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa Thái. Ảnh: Sách Nguyễn

Có nhiều thời gian, du khách có thể trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm, từ khâu xe sợi, tẩm màu đến khâu quay tơ, dệt cửi, thêu thùa và hoàn thiện một sản phẩm. Qua đó sẽ thấy được sự nhẫn nại, khéo léo và tài hoa của những người phụ nữ Thái, hiểu hơn về những thông điệp cuộc sống được gửi gắm qua từng sản phẩm.

Lên với bản làng không thể không thưởng thức những món đặc trưng của đồng bào vùng cao. Có thể kể đến cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt gà đen và lợn đen, cá suối, chả moọc, canh ột và rượu cần, rượu men lá… Những thứ này được chế biến từ sản vật của núi rừng, đảm bảo về chất lượng, độ an toàn và quan trọng hơn là cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp nơi bản làng vùng cao.

Mùa này, đến Nghệ An, khách cũng có thể về với miệt biển để thưởng thức hương vị mặn mòi và trải nghiệm cuộc sống ở làng nghề chế biến hải sản. Phố biển Cửa Lò tĩnh lặng, du khách thường tìm đến một số điểm ở phường Nghi Hải và Nghi Thủy để được thử món cá thu nướng. Những mẻ cá thu tươi, ngon nướng trên than hồng dậy mùi thơm phức; những miếng cá còn nóng hổi, vừa ăn vừa xuýt xoa trong cái lạnh se miệt biển tạo cảm nhận thú vị thật riêng khác!.

Được ví là "Sa Pa của xứ Nghệ", xã Mường Lống của huyện rẻo cao Kỳ Sơn là điểm đến lý tưởng trong mùa Đông - Xuân. Ảnh: Sách Nguyễn

Đến phố biển Cửa Lò, du khách hãy dành thời gian khám phá nhịp sống làng nghề, trải nghiệm các công đoạn chế biến hải sản. Ở đây, có làng nghề nước mắm Hải Giang 1 (phường Nghi Hải) nổi tiếng với lịch sử hơn 300 năm, sản phẩm được khắp mọi vùng trong tỉnh ưa chuộng. Gần đây đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn chế biến nước mắm cổ truyền, thương hiệu nước mắm Hải Giang 1 ngày càng lan tỏa…

Đẩy mạnh kích cầu và hợp tác

Để thu hút du khách đến với Nghệ An trong mùa Đông – Xuân, ngành du lịch đã nỗ lực tăng cường sự liên kết, đẩy mạnh kích cầu và nâng cao chất lượng phục vụ. Hầu hết các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch đều đã giảm giá thành, các điểm du lịch cộng đồng cũng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Định tìm hiểu các sản phẩm du lịch Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Ngành du lịch cũng tổ chức cho các đơn vị lữ hành tổ chức khảo sát, đánh giá một số điểm du lịch canh nông ở Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ kết nối các điểm để xây dựng tour, tuyến, đưa du khách nội tỉnh đến trải nghiệm và khám phá.

Bên cạnh đó, việc nối lại đường bay Vinh với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Phú Quốc, Quy Nhơn và Đà Nẵng mở ra triển vọng thu hút khách ngoại tỉnh. Đồng thời, ngành du lịch đã tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố thông qua việc ký kết hợp tác và xúc tiến, quảng bá tiềm năng.

Các thành viên Đoàn công tác Tổng Cục Du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất đặc sản tương Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Tường Anh

Mới đây, Nghệ An tổ chức thành công Hội nghị Kích cầu du lịchnội địa và liên kết phát triển du lịch Bình Định - Nghệ An. Tại đây, các doanh nghiệp của Nghệ An cũng tiến hành giới thiệu gói kích cầu du lịch nội địa đảm bảo sự hấp dẫn, cam kết về chất lượng và giá cả.

Cùng thời gian này, Tổng Cục Du lịch đã cử đoàn công tác về khảo sát, đánh giá tài nguyên và thực trạng khai thác tài nguyên du lịch nông thôn tại huyện Nam Đàn và khu vực lân cận để thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, đưa Nam Đàn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đặc sắc và góp phần thu hút khách du lịch đến với Nghệ An.

Đại diện Sở Du lịch Nghệ An giới thiệu về tổng quan và chương trình kích cầu du lịch của địa phương tại Hội nghị kích cầu du lịch và liên kết phát triển du lịch Bình Định - Nghệ An - Hải Phòng. Ảnh: Công Kiên

Trước đó, đoàn caraval CLB lữ hành Unesco cũng về khảo sát một số điểm ở huyện Nghĩa Đàn và đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về du lịch canh nông của vùng đất Phủ Quỳ. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác, kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên để khởi động lại các hoạt động du lịch cuối năm 2020 và tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Đây là dịp để giới thiệu, tìm kiếm cơ hội, tăng cường kết nối để khu, tour du lịch của Nghệ An với các tỉnh Tây Nguyên…

Lãnh đạo các sở u lịch Bình Định, Hải Phòng và Nghệ An ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: Công Kiên

Nỗ lực đẩy mạnh kích cầu và hợp tác phát triển du lịch bước đầu cho thấy tính hiệu quả khi gặt hái được những kết quả khả quan. Trong chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2, tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 505.950 lượt, bằng 51,12% so tháng 7 và tháng 8 năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch đạt 750 tỷ đồng, bằng 47,71% so tháng 7 và thàng 8 năm 2020.

“Với những điểm đến, sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng, khác biệt và việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho khách du lịch của ngành Du lịch Nghệ An và các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn trong mùa Đông – Xuân 2020 – 2021, Nghệ An mong muốn được đón người dân và du khách mọi miền Tổ quốc đến tham quan và khám phá những điều thú vị, mới lạ”.

Bà Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch

Du khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin các điểm đến và các tour, tuyến du lịch mùa Đông - Xuân ở Nghệ An có thể liên hệ với Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du dịch Nghệ An theo số điện thoại 0931.363768 (MR Chung) để được hỗ trợ và tư vấn.