Tiếp tục chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2010-2016 trên địa bàn tỉnh, chiều 21/3, Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với Sở Công Thương.
Giai đoạn 2011-2016, Sở Công Thương được UBND tỉnh giao triển khai Dự án Năng lượng nông thôn II (RE II mở rộng) tỉnh Nghệ An do nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án RE II mở rộng tỉnh Nghệ An được triển khai thực hiện trên địa bàn gần 46 xã thuộc 10 huyện, thị, xã trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới điện nông thôn các xã này trước khi được đầu tư đã xuống cấp nghiêm trọng, lượng điện hao hụt rất lớn trên 30%, các tuyến đường điện chủ yếu được hợp tác xã nông nghiệp đầu tư từ những năm 70-80 thế kỷ trước.
Dự án có tổng mức đầu tư 10,5 triệu USD từ nguồn vốn vay của WB. Do phù hợp với lợi ích chung, được nhân dân đồng tình ủng hộ nên dự án triển khai khá thuận lợi, không vướng mắc về giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian thi công đúng kế hoạch, không đội vốn.
Toàn dự án triển khai khoảng 1.050 km đường dây hạ thế nhưng không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, tiết kiệm ngân sách đối ứng của tỉnh (chiếm 7,4% tổng giá trị thực hiện của dự án). Dự án đã hoàn thành, bàn giao cho điện lực và đưa vào sử dụng.
Hiện nay, tài sản hình thành sau khi dự án đã được bàn giao cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý và vận hành. Hàng năm Công ty Điện lực Nghệ An có trách nhiệm thay mặt ngành Điện trích khấu hao chuyển cho Sở Tài chính để trả nợ WB theo đúng hiệp định và hợp đồng tín dụng cho vay lại của Nhà nước.
Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An khẳng định sau khi dự án được đầu tư và đưa vào vận hành đã phát huy hiệu quả rất cao. Lượng điện hao hụt đã giảm từ 30% trở về khoảng 7-8%, có nơi còn 4%; người dân được sử dụng nguồn điện chất lượng cao, khắc phục quá tải.
Theo ông Tám để thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 28/6/2016 của Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 xây dựng hệ thống cấp điện lưới từ lưới điện Quốc gia cho các thôn, bản chưa có điện và nguồn điện ngoài điện lưới quốc gia cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Sở Công Thương đã rà soát có 46 thôn, bản và 1 đảo (trong đó 43 thôn, bản đề xuất sử dụng điện lưới quốc gia; 3 bản và 1 đảo đề xuất sử dụng năng lượng khác).
“Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các cấp, các ngành đề xuất với EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Nghệ An cho bổ sung 43 thôn, bản nói trên vào dự án cấp điện nông thôn của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2020”- ông Tám nói.
Đoàn giám sát đề nghị Sở Công Thương lưu trữ, quản lý tốt hồ sơ của dự án; có cơ chế quản lý, duy tu, bảo trì, phát huy hiệu quả các công trình; đồng thời phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện; nâng cao chất lượng điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân; tăng cường quản lý quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện trên địa bàn tỉnh…