Đoàn đã đến kiểm tra Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, đơn vị trực thuộc Sở Y tế được chia tách và thành lập năm 2006, được thụ hưởng Dự án hỗ trợ y tế Bắc Trung bộ từ năm 2010.

bna_image_5207084_632018.jpgĐoàn giám sát trao đổi cán bộ Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu hiệu quả sử dụng trang thiết bị được đầu tư từ các dự án bằng nguồn vốn ODA. Ảnh: Thanh Lê
Dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà làm việc và phòng chuyên môn với diện tích 1.270m2, 26 phòng làm việc đã được bàn giao cho đơn vị, quản lý sử dụng từ tháng 12/2012. Hỗ trợ một xe FOR bán tải chuyên dụng với giá trị gần 1,4 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012.

Trung tâm đã nhận 28 loại trang thiết bị tài sản, đã thực hiện điều chuyển 1 máy lắc, 1 máy đo chỉ số khúc xạ, 1 kính hiển vi soi nổi; 25 loại trang bị còn lại được quản lý và sử dụng có hiệu quả.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 600 hộp đựng chất thải sắc nhọn 1,5l; 15 thùng đựng chất thải y tế 1,5l; 4 thùng vận chuyển chất thải 240l; 6 bộ phương tiện bảo vệ cá nhân đã tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện tốt trong công tác quản lý, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải đảm bảo an toàn đúng quy định.

Đoàn Giám sát kiểm tra thực tế vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Đối với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, năm 2017 bệnh viện được đầu tư dự án hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ hấp ướt tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý với kinh phí gần 5,9 tỷ đồng; Hệ thống xử lý chất thải lỏng với kinh phí gần 8,1 tỷ đồng từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện Ngân hàng thế giới tài trợ.

Hệ thống xử lý chất thải Ngân hàng Thế giới tài trợ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra hiệu quả xử lý hệ thống 1 tháng/lần và kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép. Với việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đã giúp bệnh viện giải quyết tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Còn tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, là 1 trong 10 bệnh viện của cả nước được thụ hưởng Dự án Hợp phần Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thuộc Dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng (giai đoạn II) bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Đoàn Giám sát của Quốc hội kiểm tra các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sản nhi. Ảnh: Thanh Lê
Đến nay tất cả các trang thiết bị được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của JICA Nhật Bản đã được lắp đặt tại các khoa, phòng, kịp thời đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai nhờ các trang thiết bị mới từ dự án này, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương.

Đặc biệt, một số trang thiết bị lần đầu tiên bệnh viện được trang bị như: Máy chụp CT, máy X-quang rang Panorama, máy X- quang chụp vú, hệ thống PCR realtime, hệ thống nội soi tiêu hóa dạ dày tá tràng (trẻ em), hệ thống nội soi tai mũi họng đã hỗ trợ đắc lực cho bệnh viện thực hiện thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật.

Làm việc với Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị bệnh viện tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn ODA của JICA Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê
Đoàn Giám sát đề nghị các trung tâm y tế, bệnh viện cần quan tâm đào tạo nâng cao năng năng lực, tăng cường công tác quản lý của cán bộ y tế; sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các trang thiết bị được thụ hưởng từ các dự án bằng nguồn vốn ODA để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

* Chiều 6/3, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với Sở Y tếvề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đoàn Giám sát làm việc với Sở Y tế. Ảnh: Thanh Lê

Giai đoạn 2011-2016, Sở Y tế Nghệ An có 4 dự án sử dụng vốn vay ODA (vay với lãi suất thấp) đó là: Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh; Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ; phát triển bệnh viện tỉnh, vùng (giai đoạn 2) và Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Hàng năm, căn cứ kế hoạch hoạt động của dự án, Ban Quản lý dự án lập kế hoạch sử dụng vốn nước ngoài gửi các cấp, các ngành  liên quan xem xét, phê duyệt.

Việc giải ngân vốn vay ODA thực hiện theo đúng hướng dẫn của từng dự án và quy định hiện hành (trong đó hai Dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ đã kết thúc).

Cơ bản các khoản vốn phục vụ cho hoạt động của dự án được bố trí kịp thời và đáp ứng các nội dung theo quy định. Chủ yếu kinh phí đối ứng phục vụ cho chi thường xuyên; đối ứng để nộp thuế; sửa chữa hạ tầng… Hàng năm và khi kết thúc dự án đều có kiểm toán và thanh, kiểm tra để đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án.

Tuy vậy, đến nay riêng Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ phần vốn địa phương đối ứng để trả nợ công trình tại 7 trung tâm ytế huyện vẫn còn thiếu 2,4 tỷ đồng mặc dù dự án đã kết thúc từ năm 2016.

Sở Y tế phản ánh trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như trong quá trình xây dựng dự án để thẩm định vẫn thường có thay đổi; điều chỉnh nên thời gian từ khi khởi động dự án đến khi triển khai thực hiện mất nhiều thời gian. Nguyên nhân do sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Việc bố trí vốn đối ứng của địa phương có những lúc chưa kịp thời ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn ODA.

Theo đánh giá của ngành Y tế, các dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA cho ngành Y tế Nghệ An góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao.

Qua kiểm tra một số đơn vị và làm việc với Sở Y tế, Đoàn giám sát ghi nhận: Việc được thụ hưởng từ các dự án từ nguồn vốn vay ODA đã mang lại cho các cơ sở y tế, bệnh viện được tiếp cận trang thiết bị hiện đại, thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, giải quyết vấn đề chất thải y tế, đảm bảo môi trường ... đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cao của người dân.

Quyền Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh khẳng định ngành sẽ tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ảnh: Thanh Lê
Đoàn giám sát cũng lưu ý ngành Y tế luôn nâng cao công tác quản lý, sử dụng các trang thiết bị y tế một cách chặt chẽ, hiệu quả. Khẩn trương các thủ tục để thanh, quyết toán đối với các dự án đã kết thúc; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng để phát huy hiệu quả bền vững của các dự án; làm cơ sở để các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ các dự án khác trong thời gian tới.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các cam kết theo quy định và chuẩn bị khởi động cho giai đoạn mới.