Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân “sốt” đất là do hiện nay dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó vốn trong dân vẫn nhiều, nhiều nhà đầu tư, người dân bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản khiến thị trường dần “nóng” lên.
Theo ghi nhận một số khu vực tại huyện Yên Thành, các hoạt động mua bán đất nền diễn ra khá sôi động. Anh Nguyễn Văn Trình ở xã Nam Thành cho biết: Chưa bao giờ thấy nhiều người quan tâm thị trường bất động sản như hiện nay. Mới đây, ngày 8/3 tôi mua lô đất ở xã Viên Thành trị giá 1,5 tỷ đồng thì ngày 11/3 đã có người trả giá lên đến 1,7 tỷ đồng. Ven QL 48E xã Sơn Thành thời điểm trong Tết, các lô đất giá khoảng 1,4 tỷ đồng, thì nay giá nhảy vọt trên 2 tỷ đồng/lô (160 m2).
Các phiên đấu giá đất cũng sôi nổi không kém. Như mới đây tại xã Bắc Thành tổ chức đấu giá đất 22 lô, giá khởi điểm thấp nhất 1,9 tỷ đồng, cao nhất trên 3,2 tỷ đồng/lô, trong phiên đấu giá có hàng trăm đơn tham gia. Sau đấu giá thu về trên 66 tỷ đồng, lô trúng đấu giá cao nhất 3,9 tỷ đồng, sau đấu giá 100% không ai bỏ cọc.
Đại diện Phòng Tài chính huyện Yên Thành cho biết thêm: Do những hiệu ứng từ các dự án đã đầu tư hoặc chuẩn bị triển khai khiến phân khúc đất nền "hút khách" hơn. Như địa bàn Yên Thành đang triển khai các dự án: Nhà máy giày da xã Bắc Thành, Nhà máy may xã Liên Thành, Khu chế biến gạo xuất khẩu thị trấn Yên Thành, các khu vực có nhà máy giá đất đều bị đẩy lên cao. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2022, huyện Yên Thành đã thu về tiền cấp quyền sử dụng đất 132 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán tỉnh giao.
Kế bên là địa bàn huyện Diễn Châu, giá đất nền cũng tăng chóng mặt. Theo một số “trùm đất” ở địa phương này được biết: Đất nội vùng xã Diễn Mỹ gần chợ, gần trường học…trong Tết giá 1,7 tỷ đồng/1 lô (100m2), thời điểm này có giá 2,1 tỷ đồng/lô. Đại diện UBND xã Diễn Mỹ cho biết: Từ khi dự án Nhà máy may Nam Thuận triển khai trên địa bàn thì đất quê tăng đột biến, đất nằm trục đường chính của xã đều có giá từ 3 - 3,5 tỷ đồng/lô.
Còn tại huyện Đô Lương, đầu năm 2022, huyện tổ chức phiên đấu giá 90 lô đất ở cánh đồng Cồn Lều, thị trấn Đô Lương mà có trên 300 hồ sơ tham gia, tiền đất thu về 250 tỷ đồng, giá khởi điểm từ 1,2 - 1,6 tỷ đồng sau đấu giá được đẩy lên từ 2,5 - 3,5 tỷ đồng/lô.
Ngoài đất nền đấu giá tăng thì đất các dự án cũng tăng theo. Tại khu đô thị Hải Vân xã Diễn Ngọc, Diễn Châu dịp trong Tết có giá 13 triệu đồng/m2, nay đều tăng 15-17 triệu đồng/m2, các lô góc, lô kinh doanh đạt 20 triệu đồng/m2...
Xuất hiện nhiều nhóm đầu tư “săn” đấtQua tìm hiểu cho thấy, hiện nay có khá nhiều nhóm đầu tư “săn” đất ở khắp địa bàn tỉnh. Những nhóm đầu tư này thành phần tham gia chủ yếu là bạn bè thân thiết, anh em, họ hàng cùng góp vốn. Phương châm của nhóm là có lãi sẽ chốt, và mục tiêu đầu tư khoảng 2-3 tháng, muộn nhất là 1 năm. Tại các phiên đấu giá đất ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu… chúng tôi chứng kiến các nhóm “săn” đất ở huyện Diễn Châu có tỷ lệ trúng đấu giá rất cao. Như trong phiên đấu giá đất ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành có trên 30 lô đất thì nhóm này trúng đấu giá trên trên 20 lô đất.
Một thành viên của nhóm này chia sẻ: Trước khi đấu giá đất, chúng tôi đến tận nơi để khảo sát nắm bắt tình hình để “định giá”, và thường ra giá cao hơn nên tỷ lệ trúng cao là đương nhiên. Các lô đất sau khi trúng đấu giá chúng tôi bán lại kiếm lời.
Một số nhóm khác chuyên đi "săn đất" đang nằm ở các khu vực vùng trũng, giá chưa có biến động nhiều, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2, nhưng theo đánh giá là có tiềm năng chủ yếu ở các huyện miền núi Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương…
Ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Thị trường đất đấu giá ở nông thôn "nóng" lên cũng kéo theo các dự án bất động sản trên địa bàn Nghệ An tăng giá theo. Tuy nhiên một số vùng đất đấu giá mua đi bán lại bị đẩy giá quá cao, trong khi đất dự án cũng tăng nhưng chậm hơn. Quan điểm của nhà đầu tư dự án bất động sản là đầu tư theo hướng bền vững nên họ tăng giá chậm để người mua đất dự án cũng phải có lãi.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Phiệt, để kiểm soát tình trạng đầu cơ, tăng giá đất các ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần kiểm tra, rà soát việc chuyển đổi, tách thửa, quản lý chặt tài chính, tín dụng bất động sản; giám sát các dự án bất động sản; đồng thời, quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để tiếp diễn tình trạng “đẩy" giá. Ngành liên quan cần minh bạch hóa các đồ án quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá.
Khuyến cáo của các chuyên gia bất động sản, thời điểm này, người dân cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro./.
'Sốt' đất phố đi bộ ở thành phố Vinh
Bộ Xây dựng cảnh báo sốt đất vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương