Tình cảnh khó
Chị Nguyễn Thu Hiền làm nghề bán hàng ăn ở TP. Vinh, với quán cháo phở mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Chị đang vay ngân hàng mua trả góp căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố, thời hạn vay 15 năm, mỗi tháng chị phải trả ngân hàng 8 triệu đồng. Trước đây chắt bóp chi tiêu tháng nào cũng đủ trả ngân hàng, thế nhưng từ đầu năm lại nay, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, không có khách ăn sáng, chị phải đóng quán và chưa tìm được việc làm, đồng nghĩa rất bí bách khi đến hạn thanh toán gốc và lãi ngân hàng.
Ba tháng nay đã phải vay người thân để trả nợ ngân hàng. Chị Hiền cho biết tình cảnh này kéo dài thì chưa biết phải làm thế nào.
Anh Cao Thái Duy ở phường Hưng Phúc thuê lại quán cà phê bán hàng, trước đây một ngày anh có doanh thu gần 2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng, trong đó tiền thuê ốt 10 triệu đồng/ tháng, anh còn khoảng 10-15 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, từ khi có dịch covid, anh phải đóng cửa, tiền vay vốn ngân hàng làm ăn và mua xe trả góp rất khó khăn trả nợ.
Trên đây là tình cảnh khá phổ biến của khách hàng vay vốn ngân hàng mua xe, mua nhà, mua đồ dùng… trả góp gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng bởi họ “tổn thương” trực tiếp trong mùa dịch covid chưa biết kéo dài bao lâu. Họ chia sẻ rất mong ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc cho giãn nợ, chậm nợ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 60% ô tô trên dịa bàn thành phố Vinh mua bằng hình thức trả góp.
Ngân hàng có hạ lãi suất không?
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng bị ảnh hưởng nặng nề do kinh doanh kém hiệu quả mùa Covid. Kinh doanh từ chính nguồn tiền vay, việc hạ lãi suất là vấn đề các ngân hàng luôn cân nhắc để bảo toàn nguồn vốn.
Để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch, nhiều ngân hàng đã có những động thái đầu tiên đồng hành cùng khách hàng.
Ví như một ngân hàng trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ khách hàng của mình với khá nhiều giải pháp. Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do Covid.
Đối với khách hàng cá nhân: Để khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng này thực hiện miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền nhanh trên ứng dụng ngân hàng di động hoặc ngân hàng trực tuyến Internet Banking đối với các giao dịch có giá trị dưới 500.000 đồng. Đối với các giao dịch từ 500.000 đồng tới dưới 2.000.000 đồng, ngân hàng này thực hiện giảm phí.
Ngân hàng cũng tặng lãi suất 0,1% ở hầu hết các kỳ hạn khi gửi tiết kiệm trực tuyến so với gửi ở quầy.
Đáng chú ý là các ưu đãi thiết thực giúp khách hàng phòng tránh dịch như hoàn tiền khi dùng thẻ tín dụng chi tiêu tại nhà thuốc; tặng đến 1,5 triệu đồng và tặng ngay nước rửa tay kháng khuẩn khi mở mới thẻ tín dụng (chương trình tặng nước rửa tay kháng khuẩn đã kết thúc vào 17/3/2020).
Anh Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng cho vay cá nhân một chi nhánh ngân hàng ở thành phố Vinh cho biết: Chi nhánh có hơn 1.000 khách hàng cá nhân dư nợ 330 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch Covid nên tốc độ trả nợ chậm hơn, nhiều khách hàng sau 3-4 ngày sau hạn mới trả được nợ. Các khách hàng mua xe vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, ô tô riêng, kinh doanh các mặt hàng thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đối với khách hàng doanh nghiệp: Từ 1/4/2020, ngân hàng nói trên áp dụng giảm 0.5% đến 2% lãi suất cho các doanh nghiệp hiện hữu đang vay trung, dài hạn. Ngân hàng sẽ tự động giảm lãi mà không cần doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải.
Theo ước tính của ngân hàng này, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ. Sau gói này, ngân hàng sẽ nghiên cứu các gói hỗ trợ khác tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Trước đó, từ 23/1/2020, ngân hàng này cũng đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất 0.5%-1.5% áp dụng cho các khoản vay mới, bao gồm vay vốn ngắn hạn và vay vốn lưu động. Bước đầu đã có hơn 600 doanh nghiệp được hỗ trợ trên tổng dư nợ 2.500 tỷ đồng.
Với những hỗ trợ mới nhất nêu trên có thể thấy đối với khách hàng cá nhân không được hưởng chính sách gì đáng kể, những kỳ vọng của họ vẫn chỉ là kỳ vọng. Nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy từ văn phòng ngân hàng nói trên, thì có thể trong vài ngày tới sẽ có chính sách hỗ trợ cho khách hàng là cá nhân.
Đối với một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác, để đồng hành cùng khách hàng mùa dịch covid cũng đã có những gói kịp thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng doanh nghiệp. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp.
Ngân hàng thương mại này giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, ngân hàng sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Đối với nhu cầu vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng. Ngân hàng này cũng đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm tối đa 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019; Gói tín dụng 5.000 tỷ cho vay ngắn hạn khách hàng cá nhân kỳ hạn đến 6 tháng.