UBND huyện Nghi Lộc đã xây dựng được 338 quy trình thủ tục trên cổng dịch vụ công, với 206 quy trình cấp huyện, 132 quy trình cấp xã, trong đó, có 112 dịch vụ công mức độ 3, 16 dịch vụ công mức độ 4.
Kết quả, năm 2017, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã tiếp nhận 52.071 hồ sơ, đã xử lý 43.769 hồ sơ, trễ hạn 5.011 hồ sơ.
Tuy nhiên, bà Cao Thị Hồng Phương - Chuyên viên phụ trách Bộ phận một cửa UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến chỉ mới dừng lại ở thao tác nhập dữ liệu vào hệ thống là chủ yếu, còn số hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến rất hạn chế, chỉ có 33 hồ sơ trên hệ thống".
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, năm 2018, UBND huyện Nghi Lộc ban hành công văn chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tiến hành rà soát lại các quy trình, thủ tục xây dựng trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến; đồng thời không nhận hồ sơ bằng văn bản giấy đối với một số lĩnh vực đã được quy định phải nộp theo hình thức trực tuyến.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, số lượng tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 2 của tỉnh (sau Nghi Lộc). Đến hết tháng 12/2017, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã tiếp nhận hơn 27.400 hồ sơ, hồ sơ trả trước và đúng hẹn đạt 75,3%, trễ hẹn 24,7%.
Theo đánh giá của UBND huyện Quỳnh Lưu thì việc tiếp nhận hồ sơ trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực còn mang tính hình thức, một số phòng, ban chưa thực hiện nghiêm túc trong việc tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Qua trao đổi, ông Phan Nguyên Hào - Phó Giám đốc Sở TT&TT đánh giá: Nhiều đơn vị chỉ sử dụng hệ thống để tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại bộ phận Một cửa và để lưu trữ kết quả giải quyết hồ sơ sau khi xử lý xong, còn việc xử lý hồ sơ giữa các bộ phận đang thực hiện thủ công, không thực hiện xử lý trên hệ thống.
Mặc dù hệ thống đã sẵn sàng, song việc ứng dụng hệ thống của người dân, doanh nghiệp còn quá hạn chế, việc gửi nhận hồ sơ trực tuyến qua mạng còn rất ít (năm 2017 mới có 66 hồ sơ nộp trực tuyến).
Bên cạnh đó, do yếu tố khách quan là các đơn vị trên đang sử dụng phần mềm chuyên ngành dọc của bộ, ngành, Trung ương quản lý. Trong khi đó các bộ, ngành Trung ương chưa tích cực phối hợp với các đơn vị trên để hợp tác chia sẻ mã nguồn nên hệ thống chưa tiến hành kết nối, liên thông hệ thống Igate với các hệ thống ngành dọc khác.
Việc đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đi vào hoạt động được xem là giải pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ tỉnh đến cơ sở; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.
Việc sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, hệ thống có thể công khai tình trạng xử lý hồ sơ, kiểm soát tiến độ thực hiện thủ tục hành chính, theo dõi luồng xử lý công việc, thông báo công việc đến hạn, trễ hạn và công khai tình trạng xử lý hồ sơ, cho phép công dân, tổ chức theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ qua nhiều kênh, nhiều thiết bị như: website, tin nhắn, điện thoại, máy tính...