(Baonghean.vn) - Nghệ An sẽ thí điểm triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thu hộ phí, lệ phí dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Sáng 11/5,  dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Xuân Đại - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các sở ngành, đơn vị liên quan và Ngân hàng Công thương Việt Nam về việc hợp tác phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai Chính phủ điện tử. Cùng dự có đại diện lãnh đạo UBND thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.


Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 2545/QĐ-TTg.

Theo đó, mục tiêu chung của Chính phủ là tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông... Hướng tới đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

images1898348_1.jpgĐồng chí Lê Xuân Đại - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác.

Tại buổi làm việc, đại diện Vietinbank giới thiệu giải pháp và lợi ích của giải pháp; Lợi thế triển khai giải pháp của Vietinbank; Mô hình dịch vụ công trực tuyến, điều kiện và lộ trình phối hợp triển khai.

Hiện nay hạ tầng công nghệ và giải pháp thanh toán của các ngân hàng được hoàn thiện, hoạt động thanh toán liên ngân hàng thông suốt, nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 111 triệu thẻ thanh toán được phát hành cho các khách hàng cá nhân, thể hiện tính thích ứng trong sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) phát biểu. Ảnh: Thu Huyền

Về dịch vụ công trực tuyến, đối với sở ngành, VietinBank cung ứng giải pháp hỗ trợ báo cáo tra soát để quản lý nguồn thu phí, lệ phí…  từ nhiều kênh khác nhau; đối với người dân, doanh nghiệp: dịch vụ thanh toán qua các kênh như chuyển khoản, POS…

Vietinbank cung ứng giải pháp thu dịch vụ công online tại cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với 4 cấp độ. Đây là giải pháp đa kênh, đa phương tiện, người dân có thẻ tại bất cứ ngân hàng nào đều sử dụng thanh toán dịch vụ công cấp độ 3,4...

Giao dịch tại VietinBank chi nhánh Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại nhấn mạnh: Thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ công trực tuyến là chủ trương kịp thời và cần thiết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Do đó, UBND tỉnh đồng ý chủ trương đề xuất của VietinBank trong việc thí điểm triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Nghệ An, trong đó có giải pháp thu hộ phí, lệ phí dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp VietinBank làm việc với một số sở, ngành để khảo sát về điều kiện đáp ứng, lựa chọn và thống nhất về cách thức triển khai, loại hình dịch vụ ứng dụng, lập kế hoạch kết nối hệ thống hành chính công trực tuyến của tỉnh với hệ thống thanh toán của VietinBank để triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến và lựa chọn đơn vị triển khai thí điểm giải pháp thu hộ phí, lệ phí hành chính công trực tuyến.

Trước mắt, thực hiện làm việc khảo sát và triển khai các dịch vụ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Cục Thuế tỉnh và Ban Quản lý Dự án.

Đến 31/3/2017, Nghệ An có thẻ 250 ATM, 955 POS, lắp đặt tại các đơn vị kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.850 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, trong đó có 1.335 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Doanh số trả lương qua tài khoản luỹ kế đến đầu năm đạt 1.552 tỷ đồng, trong đó doanh số trả lương qua tài khoản cho các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt 854 tỷ đồng (chiếm 55% so với tổng doanh số các đơn vị trả lương qua tài khoản).

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN