Cấp đất ôm trọn đường dân sinh
Bà Trần Thị Hạ (66 tuổi) ở thị trấn Tân Kỳ không nhớ nổi đã gửi bao nhiêu lá đơn, “gõ cửa” bao nhiêu cơ quan công quyền trong suốt nhiều năm nay để đòi lại công lý. Cùng với nhiều hộ dân khác, bà nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng vì bị một hộ dân chặn luôn con đường độc đạo dẫn vào rừng. “Cả một rừng keo đã quá tuổi khai thác rồi nhưng bây giờ đường họ bịt mất, không tài nào cho xe vào được”, bà Hạ nói.
Nhiều năm trước, gia đình bà Hạ cùng một số hộ dân ở khối 2 (thị trấn Tân Kỳ), nhận giao khoán hàng chục hecta đất để trồng rừng. Việc canh tác của bà con diễn ra thuận lợi, cho tới một ngày khoảng 10 năm trước. Khi đó, gia đình ông Nguyễn Tài Sơn bỗng dưng làm cửa sắt, bịt luôn con đường độc đạo dẫn vào cánh rừng này. “Hồi đó chúng tôi đến mùa thu hoạch keo. Nhưng mỗi lần xe tải vào chở keo ra là gia đình ông Sơn chặn lại để thu phí”, bà Hạ kể.
Lúc này, những người dân ở đây mới biết ông Nguyễn Tài Sơn đã được UBND huyện Tân Kỳ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2006, trong đó “ôm” luôn cả con đường dân sinh. “Con đường đó đã có lịch sử từ lâu đời rồi. Có người dân ở đây làm chứng. Sau khi có giấy chứng nhận QSD đất thì anh Sơn bắt đầu làm khó chúng tôi. Nhưng vì không muốn hàng xóm xảy ra tranh chấp, ẩu đả nhau nên chúng tôi đành nhẫn nhịn”, bà Hạ kể.
Năm 2013, bà Hạ chấp nhận bỏ 10 triệu đồng để “mua” lại con đường này từ gia đình ông Sơn để có thể tự do vào canh tác. Trong giấy thỏa thuận có xác nhận của UBND thị trấn Tân Kỳ nêu rõ “kể từ nay về sau đây là con đường chung”. Mặc dù đã nhận tiền và ký tên trong biên bản thỏa thuận, nhưng không lâu sau, gia đình ông Sơn lại tiếp tục ngăn cản xe tải vào chở keo. Kể từ đó, những hộ dân này phải trả phí để được vào rừng.
Đến tháng 5/2019, sau khi nhận được sự cầu cứu của các hộ dân này, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Kỳ đã cử tổ công tác xuống kiểm tra thực địa đồng thời đối chiếu với các bản đồ. Sau đó, ngày 30/5/2019, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ đã có văn bản gửi UBND huyện Tân Kỳ và thị trấn Tân Kỳ về việc xác định lại con đường dân sinh này.
BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ cho rằng, diện tích đất mà UBND huyện Tân Kỳ đã cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ông Nguyễn Tài Sơn nằm chồng lấn lên đất lâm nghiệp. Mặc khác, trong bản đồ lâm nghiệp ban hành từ tháng 3/2003, khu vực này có đường dân sinh nhưng trong bản đồ địa chính mà huyện Tân Kỳ cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ông Sơn lại không có đường dân sinh. “Đây là con đường dân sinh mà các hộ dân sản xuất lâm nghiệp thường xuyên đi qua để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã có từ trước”, văn bản có đoạn nêu.
Cũng theo BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ thì việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình ông Sơn ôm trọn cả con đường dân sinh này là cơ sở để ông Sơn gây áp lực thu tiền đường mỗi khi các hộ nhận khoán khai thác cây keo đi qua. Vì thế, cơ quan này đã đề nghị UBND huyện Tân Kỳ, thị trấn Tân Kỳ kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình ông Sơn đã đúng với quy hoạch đất thổ cư, đất vườn hay chưa. Đồng thời xem xét và điều chỉnh lại việc quy hoạch đường dân sinh nông thôn cho phù hợp với bản đồ lâm nghiệp đã ban hành tháng 3/2003, tránh gây bức xúc cho người dân nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, vụ việc sau đó vẫn không được chính quyền huyện Tân Kỳ xử lý dứt điểm. Tháng 10/2019, sau khi nhận được phản ánh, UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao UBND huyện Tân Kỳ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền nhưng đến nay, gia đình ông Sơn vẫn ngang nhiên chặn đường, không cho người dân vào rừng.
Chậm trễ xử lý
Mới đây nhất, ngày 11/3/2020, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ lại phải tiếp tục gửi thêm một văn bản tới UBND huyện và UBND thị trấn Tân Kỳ về việc này. Trong văn bản này, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ một lần nữa khẳng định “việc ông Nguyễn Tài Sơn ngang nhiên ngăn chặn con đường đi lại, tác nghiệp tuần tra, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng của các hộ gia đình và cán bộ BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ đi kiểm tra là việc làm trái pháp luật, vì con đường này đã có từ trước đó. Đây là ranh giới giữa 2 địa phương xã Kỳ Tân và thị trấn Tân Kỳ, là đường tuần tra, kiểm tra rừng của cán bộ BQL rừng phòng hộ cũng như của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ".
Để tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc biệt là làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn trong mùa nắng nóng, cũng như thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra của cán bộ, BQL rừng phòng hộ đề nghị UBND huyện Tân Kỳ xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng, chính quyền địa phương vẫn không có hồi âm sau văn bản này.
Bà Trần Thị Hạ cho hay, không chỉ gửi đơn cầu cứu, bà còn nhiều lần trực tiếp khiếu nại với lãnh đạo huyện Tân Kỳ trong các cuộc tiếp công dân định kỳ về việc này. Trong cuộc tiếp công dân do ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chủ trì vào ngày 10/1/2020, trả lời phản ánh của bà Hạ, ông Việt chỉ kết luận ngắn gọn “vụ việc đã được UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra và sau đó (ngày 30/12/2019) tiếp tục ban hành văn bản để gia hạn thời gian kiểm tra, xác minh. Vì vậy, đề nghị bà Hạ chờ kết quả của UBND huyện”, văn bản kết luận cuộc tiếp công dân của Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nêu. Nhưng, 4 tháng sau, trong cuộc tiếp công dân vào tháng 5/2020, bà Hạ một lần nữa phản ánh và vẫn được câu trả lời tương tự.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt cho biết, vụ việc vẫn đang được đoàn kiểm tra rà soát, chưa có kết luận cuối cùng. “Việc này cũng có một số cái khó”, Chủ tịch UBND Tân Kỳ nêu lý do chậm trễ trong việc kết luận kiểm tra nhưng từ chối cho biết “khó” như thế nào.
Ông Việt cũng đề nghị phóng viên làm việc với thị trấn Tân Kỳ để nắm rõ. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ, ông Đậu Trường Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ lại cho biết, thị trấn không giải quyết vụ việc này. “Vụ việc này huyện đã lập đoàn kiểm tra. Chủ tịch UBND huyện cũng đã có kết luận. Phóng viên nên liên hệ với huyện”, ông Sơn nói.
Chỉ một vụ việc, nhưng không hiểu sao chính quyền huyện Tân Kỳ lại để kéo dài từ năm này đến năm khác, không xử lý dứt điểm. Trong khi những hộ dân bị ảnh hưởng lại “như ngồi trên đống lửa” bởi sự chậm trễ này. “Mùa nắng nóng đã đến, nếu không may cháy hết rừng vì phương tiện không vào được để chữa cháy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?”, bà Trần Thị Hạ bức xúc.