Gia đình chị Phan Thị Hạnh ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) có 7 sào đất chuyên trồng mía, trong đó có 2 sào trồng giống mía F34 và 5 sào mía siêu ngọt, thời điểm này là đầu mùa thu hoạch, gia đình chị bận rộn với công việc chặt mía để bán cho thương lái.
Chị Hạnh cho biết: "Từ đầu tháng 5 đã có thương lái đến hỏi mua mía rồi, tuy nhiên do mía chưa đủ già và độ ngọt nên tôi chưa bán. Bây giờ thì chặt đến đâu có người thu mua đến đấy nên bà con rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập khá".
Cây mía phục vụ giải khát được trồng từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm và 1 năm sau thì cho thu hoạch. Đây là vụ mía dễ trồng, rất ít sâu bệnh, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện rầy nhưng dễ chữa trị, chi phí phân bón thấp, chỉ từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng.
Thời điểm này đang là đầu vụ thu hoạch cộng với việc thời tiết nắng nóng, các quán giải khát mọc lên nhiều nên mía được tiêu thụ rất mạnh. Giá mía tăng gấp đôi so với các năm trước, hiện đã đạt mức 3 triệu đồng/tấn. Với năng suất 3,5 tấn/sào, sau khi trừ chi phí, người trồng mía lãi ròng gần 9 triệu đồng/sào.
Tại huyện Diễn Châu, việc trồng mía giải khát cũng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây với diện tích tăng dần qua các năm, hiện đã đạt khoảng 40 ha, tập trung nhiều tại các xã Diễn Đồng, Diễn Liên...
Mía tại Diễn Châu được bán theo cây, không cân bán theo khối lượng, với giá hiện lên đến 10.000 đồng/cây nhập tại vườn. Nếu bán lẻ ra thị trường giá còn cao hơn.
Thời tiết nắng nóng, việc bán nước mía giải khát được xem là hình thức kinh doanh "siêu lợi nhuận". Trung bình mỗi cây mía nhập về chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/cây nhưng có thể ép được 4 cốc nước, bán với giá 5.000 - 10.000 đồng/cốc (tùy địa điểm), sau khi trừ vốn, mỗi cây mía cho chủ quán lãi khoảng 15.000 đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 313,95 ha mía giải khát, tập trung nhiều tại các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Diễn Châu... Diện tích này đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu cao của thị trường.