Chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử
P.V:Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Cục Quản lý thị trường đạt được trong năm 2019?
Ông Nguyễn Văn Hường:Trong năm 2019, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã triển khai có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Trong năm qua, Chi cục đã phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, cách thức phân biệt hàng thật, hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm. 
bna_vt9818102_10122020.jpgQuản lý thị trường phối hợp các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tại Diễn Châu. Ảnh: Văn Trường

Vận động chủ cơ sở kinh doanh thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt Bộ Công Thương chọn Nghệ An là 1 trong 8 tỉnh trọng điểm nằm trong kế hoạch chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ ổn định thị trường thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã xây dựng kế hoạch giao cho Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì, cùng phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh để triển khai thực hiện.  

Thời gian đầu việc xác định chính xác địa chỉ của các đối tượng vi phạm là hết sức khó khăn, do mô hình kinh doanh thương mại điện tử qua các mạng xã hội không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Việc xác định, truy xuất thông tin, dữ liệu người bán của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng giày thể thao bày bán ở thành phố Vinh. Ảnh: Văn Trường

Các website thương mại điện tử bán hàng vi phạm đặc biệt là các website sử dụng tên miền quốc tế  được tạo ra đóng lại trong thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý. Với quyết tâm chỉ đạo từ Cục QLTT Nghệ An, từ đầu năm 2020 đến nay, Đội QLTT số 11 đã xử lý được 65 vụ vi phạm thương mại điện tử, với tổng giá trị thu phạt đạt 1 tỷ 233 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định, không đăng ký kinh doanh, kinh doanh các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua mạng xã hội…

Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 3.298 vụ, tổng giá trị thu phạt 11 tỷ 422 triệu đồng, trong đó xử phạt hành chính 5 tỷ 610 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 6 tỷ đồng.
 
Mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại 
P.V:
Ông có thể cho biết về diễn biến tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác thường diễn ra vào dịp cao điểm như thời điểm cuối năm 2019 và trước Tết Nguyên đán 2021?
Ông Nguyễn Văn Hường: Qua khảo sát hàng năm cho thấy, địa bàn Nghệ An nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với những phương thức hoạt động, thủ đoạn tinh vi. Đối tượng buôn lậu thường vận chuyển các mặt hàng nhập lậu tiêu thụ mạnh vào thị trường như rượu bia ngoại, thuốc lá ngoại, mỹ phẩm, pháo các loại...
Lực lượng QLTT kiểm tra thị trường rượu Tết. Ảnh: Thu Huyền

Cùng với đó, còn có tình trạng hàng hóa giả chất lượng, công dụng trà trộn lưu thông trên thị trường, làm khó người tiêu dùng. Các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ chủ yếu là mỹ phẩm, dầu gội, hoa quả sấy khô, rượu, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em…; đáng nói là có cả thuốc đông y, thuốc giảm cân. Lợi dụng sự biến động của thị trường tết để tăng giá các mặt hàng tiêu dùng như lương thực, vật liệu xây dựng và các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết như mứt, bánh kẹo, nước giải khát, đường, sữa, dầu ăn, bia…

P.V:Để đối phó với tình trạng trên, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã có những phương án, kế hoạch gì nhằm chủ động đấu tranh, xử lý và chấn chỉnh các hoạt động trên, thưa ông? 
Đồng chí Nguyễn Văn Hường:Với phương châm kịp thời, chủ động, không để bất ngờ trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, trước và sau Tết Nguyên đán, Cục QLTT Nghệ An hiện nay đã mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 
Mục đích là triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng giả được lực lượng QLTT phát hiện và xử lý. Ảnh: Thu Huyền

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng. Chúng tôi cũng tiến hành ký cam kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn không tham gia buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Đồng thời kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm động vật... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, tuyến biển. Trọng điểm là các cảng, cửa lạch, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đường sắt, đường hàng không, các tuyến vận chuyển hàng hóa, kho tàng, bến bãi, chợ, trung tâm thương mại. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 
Cán bộ QLTT tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Thu Huyền

Kiểm tra, kiểm soát về vấn đề an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông, lâm thủy sản; tập trung kiểm tra khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố. Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa; Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...