Nông dân huyện Hưng Nguyên sốt ruột khi lúa chín rục ngoài đồng nhưng chưa thu hoạch kịp vì khan hiếm máy gặt. Video: Thanh Phúc



NÔNG DÂN SỐT RUỘT CHỜ MÁY GẶT

Hiện lúa ở cánh đồng Mai, cánh đồng đường Sắt… với 176 mẫu ruộng của gần 400 hộ dân xóm Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) lúa chín rục, có nhiều thửa lúa chắc đã rụng hạt do quá chín, nhất là những thửa ruộng bị ngã đổ do giông lốc từ đầu tháng có dấu hiệu mọc mầm. Bà con dân nóng ruột, đứng ngồi không yên khi lúa đã quá chín mà máy gặt đập liên hợp khan hiếm nên không thể thu hoạch được.
Lúa chín rũ, nhiều thửa cổ bông khô, rụng nhưng vẫn chưa thể thu hoạch do thiếu máy gặt đập. Ảnh: Thanh Phúc
Bà Ngô Thị Quế, một hộ dân ở xóm Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) cho biết: “Nhà làm 1 mẫu ruộng, giông lốc làm đổ rạp mất 6 sào, giờ lúa chín rũ rồi mà không có máy về để thuê gặt. Giờ trời nắng ráo, gặt xong còn phơi được lúa, được rơm chứ vài hôm nữa, mưa xuống, lúa hư hỏng hết”.  
Bà Quế cho biết, những năm trước, có máy gặt của người dân trong thôn, năm nay, họ bán máy rồi mà máy các tỉnh khác không về nên bà con chẳng thể nào thu hoạch lúa. Từ hôm qua, nhờ mối quen biết nên một người trong xã đã liên hệ điều được 1 máy gặt từ tỉnh Bình Định ra gặt cho bà con với mức giá 160.000 đồng/sào lúa đứng và 180.000-200.000 đồng/sào lúa đổ. Tuy nhiên, do chỉ được 1 máy, trong khi ruộng của bà con còn nhiều nên bà Quế cũng như nhiều người dân khác ở xóm Mỹ Giang chờ từ chiều, sang tối đến sáng hôm nay máy vẫn chưa đến ruộng nhà mình.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Hữu Thiết  ở xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) cho biết: “Có 6 sào ruộng đã chín rộ nhưng không có máy mà gặt. Nhìn lúa chín rục, hạt chắc rơi rụng ngoài ruộng mà xót ruột. Gặt tay cũng không có sức, trâu, bò không nuôi, máy tuốt lúa cũng bán hết rồi nên giờ chẳng biết làm thế nào để đưa lúa về nhà. Chưa năm nào khan hiếm máy gặt như năm nay…”.

 
Cả vùng đồng gần 200 mẫu ruộng nhưng nông dân xóm Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) chỉ trông chờ vào một chiếc máy gặt duy nhất từ tỉnh Bình Định ra gặt thuê. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ ở xã Hưng Mỹ mà trên các cánh đồng ở huyện Hưng Nguyên lúa chín vàng rực, nhiều thửa đã rũ, khô cổ bông nhưng vẫn chưa được thu hoạch do khan hiếm máy gặt đập liên hợp. Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Vụ lúa xuân năm nay, toàn huyện có 5.200 ha lúa. Hiện lúa đã chín rộ, đến kỳ thu hoạch nhưng đến ngày 17/5, toàn huyện mới thu hoạch được 40% diện tích. Năm nay, máy gặt khan hiếm, không đủ phục vụ nhu cầu của người dân”.

Từ 4h sáng, rất đông người dân đã có mặt tại đồng để thuê máy gặt nhưng đến quá trưa, máy vẫn chưa đến ruộng nhà mình. Ảnh: Thanh Phúc

Ở xã Trù Sơn (Đô Lương) những ngày qua, bà con cũng như chủ các máy gặt phải gặt xuyên đêm để kịp thời vụ. Ông Nguyễn Văn Tùng ở xóm 6, xã Trù Sơn cho biết: “Lúa chín quá rồi, không gặt kịp sẽ rụng hết hạt, mưa xuống nữa là coi như mất trắng. Với lại, nếu không gặt nhanh lại chậm khâu làm đất, chậm xuống giống vụ hè thu, gặp lũ sớm lại mất mùa. Do đó, đêm qua 16/5, cả nhà phải chia nhau theo máy gặt hết 6 sào ruộng, 3 giờ sáng mới xong”.

Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máy gặt đập liên hợp là do năm nay, dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, máy từ các tỉnh vùng trong hạn chế không ra Nghệ An, trong khi đó, các giống lúa đều xuống giống cùng một thời điểm nên chín cùng lúc, thu hoạch cùng lúc mà số máy gặt tại các địa phương ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

 “THỔI GIÁ” DỊCH VỤ GẶT MÁY

Tình trạng khan hiếm máy gặt diễn ra hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc

Hầu hết trên địa bàn tỉnh, lúa đã đến kỳ thu hoạch rộ, tuy nhiên, do lượng máy gặt ít nên không kịp đáp ứng nhu cầu người dân, nhiều nơi, lúa chín rục, rụng cổ bông nhưng vẫn chưa thể thu hoạch. Đáng lưu ý, một số nơi, chính quyền địa phương từ xã đến xóm đã chủ động liên hệ, kết nối và hợp đồng giá cả dịch vụ gặt máy cho dân thì ở một  số địa phương, xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt.

Nhiều nơi như xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) giá gặt 1 sào lúa đứng là 200.000 đồng, lúa đổ 220.000-250.000 đồng; xã Trù Sơn (Đô Lương), lúa đổ 250.000 đồng/sào, lúa đổ ruộng sâu trũng 300.000 đồng/sào;  xã Nam Thanh (Nam Đàn) 180.000  – 250.000 đồng/sào. Bà Phạm Thị Trí ở Trù Sơn (Đô Lương) cho biết: “Như năm ngoái, cũng chừng đó ruộng tiền gặt chỉ hết 500.000 đồng năm nay hết 1.500.000 đồng, gấp 3 luôn. Mà có phải dễ dàng thuê được máy mô, phải chờ đợi, đi theo máy cả ngày, phải năn nỉ họ và người nhà phải theo máy tự đóng lúa họ mới gặt cho”.

Đặc biệt, trên Page “Hội gặt máy ở Nghệ An”, rất nhiều người dân ở các nơi lên tiếng kết nối, liên hệ để gọi máy gặt về vùng đồng địa phương gặt lúa cho dân. Song hầu hết, các chủ máy đều đòi mức giá cao (200.000 đồng/sào lúa đứng; 250.000 đồng/sào lúa đổ).

Không thể chờ được máy gặt nên người nông dân này chấp nhận gặt tay và gánh lúa về nhà. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân mong muốn chính quyền địa phương kết nối, tạo điều kiện để chủ các máy gặt về các vùng đồng thu hoạch lúa để kịp mùa vụ; đồng thời có biện pháp để các chủ máy gặt không nâng, ép giá.

Về lâu dài, để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, tránh tình trạng khan hiếm máy gặt, thụ động trong sản xuất hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy phun thuốc… cung ứng phục vụ nhu cầu người dân, chủ động mùa vụ.