Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đoàn giám sát đã chất vấn nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến thực trạng lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài và lao động là người nước ngoài làm việc ở Nghệ An; tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; tình hình thực hiện luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhức nhối tình trạng lao động xuất khẩu “chui”, lao động di cư tự do sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số nước. Ngoài số lượng lao động “chui” ở Hàn Quốc đứng đầu cả nước thì Nghệ An hiện còn có 12.435 người lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhiều lần nhấn mạnh, tỉnh đã làm rất nhiều cách để hạn chế tình trạng này, phối hợp với Cục Lao động ngoài nước, ngành văn hóa địa phương… nhưng vẫn rất khó khăn. “Chúng tôi đã làm hết “bài” rồi!” - ông Thắng nói.
Khác với những nhức nhối trong vấn đề lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc ở Nghệ An được đánh giá là bài bản, đúng hướng. Hiện nay, số lao động là người nước ngoài làm việc tại Nghệ An là 281 người, trong đó chức danh chuyên gia chiếm số lượng lớn nhất với 149 người. Điều này phù hợp với chiến lược thu hút lao động nước ngoài có trình độ, kỹ thuật cao.
Người đứng đầu ngành BHXH tỉnh phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến bội chi: do điều chỉnh tăng giá dịch vụ kỹ thuật và thay đổi trong chính sách KCB liên thông tuyến huyện; do hạn chế về nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý nguồn quỹ KCB BHYT; do mức giá quy định tại Thông tư số 37 của một số dịch vụ kỹ thuật còn quá cao so với thực tế…
Trong lĩnh vực gia đình, các thành viên đoàn giám sát cũng đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng trong thống kê, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.
Cùng với đó, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát trong công tác BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và bệnh nhân. Về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đúng đối tượng, có trọng điểm; huy động sự vào cuộc đồng bộ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể để giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc.