Đoàn giám sát Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Chu Thanh Trong những năm qua, huyện Nghi Lộc luôn xác định công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng. Giai đoạn 2010 - 2017, toàn huyện có 11.620 lao động đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng, trong đó nữ chiếm 23,5% (2.726 người).
Nghi Lộc cũng là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về xuất khẩu lao động, tập trung ở các thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Nga… Hằng năm, lượng ngoại tệ do lao động đi làm việc nước ngoài gửi về ước tính 520 tỷ đồng.
Số người lao động làm việc ở vùng biên giới, xuất khẩu lao động không có hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của huyện là 1.014 người. Tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan. Những lao động này ở các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hoa…
Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Chu Thanh Hiện Nghi Hoa có 3.003 lao động, trong đó lao động trong lĩnh vực nông nghiệp 735 người, chiếm 24,5%; lao động dịch vụ và thương mại có 1.356 người, chiếm 45,1%; lao động tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có 912 người, chiếm 30,4%.
Thời gian qua, Quỹ tín dụng xã Nghi Hoa đã cho 470 lượt người vay với tổng số tiền hơn 117 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn xã hiện đang có 42 người lao động di cư tự do làm việc, cư trú bất hợp pháp tại một số nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc… gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
XKLĐ đang là hướng đi cho nhiều địa phương trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhưng việc quản lý lao động luôn là bài toán khó. Ảnh: Internet Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội đã lắng nghe báo cáo và giải trình những vấn đề về: Hướng tiếp cận cho những người lao động nghèo đến với những thị trường lao động nước ngoài tiềm năng; lực lượng lao động vàng đi xuất khẩu, di cư thì nguồn lực nào sẽ thay thế phát triển nguồn lực cho địa phương; xây dựng cơ chế giữa chính quyền địa phương, người lao động làm việc ở nước ngoài và cơ quan tuyển dụng lao động; công tác kiểm tra các văn phòng xuất khẩu trên địa bàn…
Đặc biệt, những hậu quả hệ lụy phía sau câu chuyện xuất khẩu lao động tiếp tục được nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi kết luận buổi làm việc. Ảnh: Chu Thanh Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội khẳng định: Nghệ An là một tỉnh có đông người lao động đi xuất khẩu nước ngoài. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về vấn đề người lao động xuất khẩu phải được đặc biệt quan tâm. Chính quyền phải làm sao gắn được Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đi vào cuộc sống cũng như nâng cao chuyên môn, năng lực cho người lao động.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc thu hút việc làm tại chỗ để người dân "ly nông bất ly hương"; quản lý tốt đối tượng người lao động nước ngoài tại địa phương. Cũng như phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nghi Lộc là huyện nằm trong vùng quy hoạch không gian đô thị mở rộng của TP Vinh và Thị xã Cửa Lò, có 10 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư. Tổng dân số toàn huyện là 217.564 người trong đó, trong độ tuổi lao động có129.668 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,7% so với tổng nguồn lao động của huyện; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 37,3%.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến thăm công ty TNHH Haivina Kim Liên ở Cụm CN Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An. Hiện công ty TNHH Haivina Kim Liên đang sử dụng 2.845 lao động trong đó có 13 lao động là người nước ngoài.
Đoàn trò chuyện với những lao động nước ngoài làm việc tại Nghệ An. Ảnh: Chu Thanh Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội đã lắng nghe, giải đáp những ý kiến, thắc mắc của các lao động người nước ngoài về các vấn đề liên quan đến Luật bảo hiểm mới đối với người nước ngoài cùng một số vấn đề về chính sách pháp luật khác.