Nhiều thách thức
Cho đến thời điểm này, Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của Nghệ An vẫn còn cao và chưa đạt được mức sinh thay thế.
Điều này, đòi hỏi công tác dân số đứng trước rất nhiều những khó khăn, nhất là khi hiện nay Nghệ An đang thực hiện 2 nhiệm vụ song song, đó là dân số - KHHGĐ và dân số & phát triển.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, toàn tỉnh có 23.658 trẻ sinh ra, tăng 302 trẻ, số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên là 5.722 trẻ, tăng 307 trẻ so với năm 2019. Hiện tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức rất cao là 24,2%, tăng 1,1% so với cùng kỳ, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cũng hết sức lo ngại với 114 bé trai/100 bé gái.
Với những kết quả này, dự ước từ nay đến cuối năm, để đạt các chỉ tiêu đề ra sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Nghệ An cũng đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc giảm sinh bởi hiện quy mô dân số của tỉnh lớn và cơ bản là cư dân nông nghiệp, nông dân, nông thôn - nơi đang mang nặng tập tục sinh nhiều con.
Nói về những khó khăn của việc giảm sinh, ông Hoàng Đình Tùng - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu cho biết: 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng dân số trên địa bàn chúng tôi tăng đột biến từ 24 % (năm 2019) lên gần 35% (năm 2020).
Điều này, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do tập tục bởi Quỳnh Lưu là huyện vùng biển, có nhiều xã đặc thù nên tâm lý chung của người dân vẫn muốn sinh đông con. Bên cạnh đó, những năm gần đây việc tuyên truyền, vận động ngày một khó khăn khi một số chính sách dân số đã bị nới lỏng.
Tại huyện Diễn Châu, bà Trần Thị Lương - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu quan trọng của huyện như tỷ suất sinh thô, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm và tỷ số giới tính khi sinh cũng đã giảm so với cùng kỳ từ 115 bé trai/100 bé gái xuống còn 108 bé trai/100 bé gái.
Nhưng, để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thì vẫn còn khó khăn khi tỷ lệ này đang trên 30%. Đáng buồn là số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số còn nhiều và nhiều gia đình vẫn có tâm lý muốn sinh đông con, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.
“Thời gian qua, công tác dân số của tỉnh nhà chịu nhiều tác động khi tại nhiều địa phương cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên dân số bị xáo trộn sau khi có chủ trương sáp nhập các Trung tâm Dân số - KHHGĐ..., ảnh hưởng đến các hoạt động chung. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khá quan trọng đó là việc điều chỉnh một số chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh dẫn đến việc nhiều người dân, thậm chí cán bộ, đảng viên hiểu chưa đúng về việc hạn chế sinh con thứ 3 trở lên. Điều này cũng đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách dân số ở cơ sở.
Với những khó khăn trên, lễ kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7/2020 cũng là dịp để nhắc nhở các ngành, các cấp, các đoàn thể, quần chúng Nhân dân ra sức thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Đồng thời, đề ra các chương trình, giải pháp can thiệp giảm sinh vững chắc để nâng cao chất lượng dân số, xây dựng quy mô gia đình nhỏ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong những năm qua, nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã có những cách làm hay và hiệu quả. Tại huyện Hưng Nguyên, với đặc thù của một huyện thuần nông, điều kiện kinh phí còn nhiều hạn hẹp, huyện đã chủ trương nâng cao hiệu quả hoạt động của truyền thông để thực hiện tốt công tác dân số ở cơ sở.
Trong đó, nổi bật nhất là duy trì các hoạt động truyền thông thường xuyên trên địa bàn thông qua hệ thống đài phát thanh phát định kỳ vào sáng và chiều hàng ngày, truyền thông qua khẩu hiệu, pa nô, áp phích được đưa đến từng thôn, xóm.
Huyện Hưng Nguyên cũng là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc đẩy mạnh truyền thông qua các trang mạng xã hội và nay đã trở thành phong trào hoạt động sôi động, có hiệu quả về công tác dân số. Huyện cũng đã đẩy mạnh truyền thông lồng ghép với các hoạt động cụ thể như đã chủ động trong việc phối hợp với các ban, ngành để cùng thực hiện nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, do nguồn kinh phí của ngành khá hạn hẹp nên đơn vị đã vận dụng tối đa khả năng của những đơn vị có kinh phí để phối hợp triển khai các hoạt động. Đơn cử như huyện đã phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ, viên chức dân số xã và đội ngũ cộng tác viên để trở thành đại lý của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc vận động người dân tham gia BHYT và BHTN.
Nhờ đó, kết thúc năm 2019, trung tâm đã thu nộp được hơn 3 tỷ đồng và được trích lại hơn 200 triệu đồng để chi trả, hỗ trợ thêm thu nhập cho đội ngũ viên chức, CTV dân số và có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động từ huyện đến cơ sở. Với những vùng đặc thù, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó linh hoạt trong cách làm, vận động, triển khai để các chương trình dân số về được đúng đối tượng và đúng với nhu cầu của đông đảo nhân dân.
Còn tại huyện Thanh Chương, nhiều năm qua huyện là điểm sáng trong việc giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc SKSS trong trường học. Để làm được điều đó, huyện đã đưa mô hình câu lạc bộ “giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc SKSS” vào tất cả các trường THPT trên địa bàn.
Ngoài ra, hàng năm đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chăm sóc SKSS cho các trường THCS và xem đây là một hình thức giáo dục kỹ năng sống ở các nhà trường.
Từ nhiều năm nay chúng tôi đã xác định giới trẻ (lực lượng vị thành niên, thanh niên) là gốc rễ của vấn đề về dân số – KHHGĐ. Vì vậy, muốn thay đổi phải đổi mới công tác truyền thông, đối tượng truyền thông và phải cung cấp đầy đủ các kiến thức về kỹ năng sống, SKSS cho đối tượng này. Về lâu dài, việc quan tâm đến lớp trẻ cũng sẽ giảm chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất cho công tác Dân số- KHHGĐ trong tình hình mới.
Những mô hình hay, thiết thực, hiệu quả cũng cho thấy những nỗ lực của ngành Dân số Nghệ An trong thời gian qua và đưa Nghệ An trở thành một điểm sáng của cả nước trong việc triển khai các hoạt động truyền thông dân số - KHHGĐ.
Đánh giá cao về những nỗ lực của tỉnh nhà, ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng khẳng định: “Dù có những khó khăn và đặc thù riêng nhưng hoạt động dân số của Nghệ An vẫn được triển khai sôi nổi, thiết thực, thường xuyên và đặc biệt là “biết chọn vấn đề cần ưu tiên, biết tranh thủ cơ hội”.
Chúng tôi cũng tin tưởng với sự nỗ lực, vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác dân số của Nghệ An sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là đầu tư cho mục tiêu giảm sinh, ổn định quy mô, cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.