Chiều 24/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. 

Tại điểm cầu chính Trung ương, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dự, chỉ đạo và chủ trì. Tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, HĐND và một số sở, ban, ngành của tỉnh.

 

bna_img_93024906573_24122021.jpgToàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

CƠ BẢN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU BHYT TOÀN DÂN

Giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 21.

Đến hết năm 2020, trên cả nước số người tham gia BHXH là hơn 16 triệu người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 53,2% so với năm 2012; trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 15 triệu người, BHXH tự nguyện hơn 1,1 triệu người. 

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 13,3 triệu người, tăng 61,7% so với năm 2012, đạt 27% lực lượng lao động. 

Cán bộ BHXH Nghệ An tư vấn cho người dân tham gia BHXH, BHYT. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Cả nước cũng đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số, đưa Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời gian đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết số 21.

Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe.

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện. Mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT ngày càng nâng cao. Thủ tục hành chính được cải cách; công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng, tăng cường.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, qua tổng kết cũng cho thấy một số hạn chế như: Diện bao phủ BHXH đang thấp, khó đạt mục tiêu đề ra, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng;…

Tại Nghệ An, thực hiện Nghị quyết số 21, toàn tỉnh đã có 91% dân số tham gia BHYT toàn dân, vượt chỉ tiêu 80% mà Nghị quyết 21 đề ra. Tỷ lệ bao phủ BHXH từng bước được tăng nhanh, nhất là BHXH tự nguyện. 

Đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là 354.499 người, đạt tỷ lệ bao phủ là 19,06% dân số trong độ tuổi lao động; trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 100.000 người, tăng 552% so với năm 2012, đưa Nghệ An thành điểm sáng về tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc.

CÔNG CỤ QUAN TRỌNG ĐỂ ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, AN SINH XÃ HỘI

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Nghị quyết số 21 đã thực sự đi vào cuộc sống; đồng thời khẳng định trong giai đoạn tới đây cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong các công tác phát triển BHXH, BHYT; coi đây là những công cụ rất quan trọng để đảm bảo công bằng, an sinh xã hội, các điều kiện chăm lo đời sống cho người dân, người lao động.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Nhấn mạnh BHXH, BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT.

Cụ thể là cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đúng với phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đó là thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số; đa dạng mức đóng và hưởng; hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới BHXH toàn dân.

Đồng thời phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2030 đạt được 60% lực lượng lao động tham gia BHXH và 40% lực lượng lao động trong độ tuổi sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp./.