BHYT GIÚP ĐẨY LÙI DỊCH COVID-19

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Nghệ An đã thực hiện điều trị cho gần 6.000 bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế. Trong đó có khoảng 10% bệnh nhân có chuyển biến nặng, phải chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị tích cực.

Bệnh nhân Covid-19 đều được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi phí điều trị. Bệnh nhân Covid-19 có thẻ BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh lý nền mạn tính kèm theo. Theo Tiến sĩ Quế Anh Trâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới: Ngân sách Nhà nước và Quỹ BHYT phải bỏ ra chi phí rất lớn để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

image_1361807_17122021.jpgNhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, mắc bệnh nền mãn tính đã được điều trị khỏi ở Nghệ An. Ảnh: P.V

Trong 600 bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện điều trị ở Trung tâm, thì số tiền điều trị cho mỗi bệnh nhân thấp nhất là vài chục triệu, cao nhất là trên 1 tỷ đồng. Số tiền Quỹ BHYT chi trả cho mỗi bệnh nhân cũng tương ứng, cao nhất là trên 300 triệu đồng…

Tiến sĩ Quế Anh Trâm cho rằng: Quỹ BHYT thực sự là nguồn lực quan trọng để đẩy lùi dịch Covid-19, đặc biệt trong công tác khám chữa bệnh. Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, khi phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế liên quan đến phòng chống Covid-19, nếu các dịch vụ đó không thuộc ngân sách đảm bảo, sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Cụ thể: Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nhiều trường hợp phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán Covid-19 đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi, cả test nhanh và PCR. Bên cạnh đó, trong số những người mắc Covid-19, nhiều người có kèm bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, chạy thận nhân tạo, suy thận… nếu tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn. Như vậy việc điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân cùng với điều trị Covid-19 từ nguồn lực của Quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, góp phần vào đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị khỏi. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Theo TS Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế: Thứ nhất, quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc. Thứ hai, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong tỏa, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến.

Hoặc có trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến TW đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển về cấp cho bệnh nhân… Có thể nói những ứng xử, điều chỉnh của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh đã rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Với sự điều trị tận tâm, tận lực của bệnh viện, đến nay, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã dược khỏi bệnh, trở về nhà. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Ở Nghệ An, không riêng gì bệnh nhân Covid-19, mà tất cả các bệnh nhân đều được hưởng quyền lợi từ chính sách BHYT mang lại, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo. Thông tin từ Cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An: Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/11/2021, BHYT đã thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ 10 triệu đồng trở lên cho 33.483 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh nội tỉnh (lượt thanh toán cao nhất là trên 279 triệu đồng) và 8.151 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại tỉnh (lượt thanh toán cao nhất là trên 883 triệu đồng). Nhiều người bị bệnh nan y, tai nạn thương tích hiểm nghèo đã được cứu sống nhờ Quỹ BHYT.

   NỖ LỰC VÌ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN

Năm 2021, công tác phát triển số  người dân tham gia BHYT, BHXHnói chung, đặc biệt là phát triển số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân ảnh hưởng xấu của dịch Covdi-19, thì nguyên nhân chính là do tác động bởi Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 61.000 người sinh sống tại các xã vùng bãi ngang ven biển và trên 187.000 người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không còn được Ngân sách Nhà nước cấp thẻ BHYT từ ngày  01/7/2021.

Nhờ Quỹ BHYT nhiều bệnh nhân đã được ghép thận, có cuộc sống mới. Ảnh: Thành Chung

Xác định được những khó khăn đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tăng độ bao phủ BHYT, BHXH tỉnh Nghệ An đã tích cực, chủ động tham mưu, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân vùng bãi ngang ven biển và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cụ thể, BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 9250/UBND-VX ngày 29/12/2020 về việc gia hạn thẻ BHYT năm 2021. Theo đó đối với các xã vùng bãi ngang ven biển không nằm trong danh sách được tiếp tục gia hạn UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan BHXH vận động người dân tham gia BHYT.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thị xã số 4129/UBND-VX ngày 22/6/2021 về việc tham mưu thực hiện chính sách BHYT cho người dân sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Liên ngành BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc đã có hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách BHYT.

Nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân Covid-19 ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Ảnh tư liệu: Thành Cường

BHXH tỉnh đã ban hành Văn bản số 72/BHXH-TT&PTĐT ngày 12/01/2021 và Văn bản số 1237/BHXH-TT&PTĐT ngày 25/6/2021 để chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân vùng bãi ngang ven biển và người dân sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg tham gia BHYT.

Ngoài ra, trong năm 2021, BHXH tỉnh Nghệ An cũng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng số người tham gia BHYT: tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 311/UBND-KH ngày 04/6 thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025; Công văn số 6328/UBND-VX ngày 30/8 chỉ đạo các Sở, ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện BHYT học sinh sinh viên năm học 2021-2022 đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

Lao động thất nghiệp hồi hương làm hồ sơ nhận chi trả chế độ BHXH tỉnh. Ảnh: tư liệu Nguyễn Hải

Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã ban hành Kịch bản phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2021, trong đó giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2021 cho từng đơn vị; ký kết các Chương trình phối hợp công tác năm 2021 các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHYT đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm tăng nhanh số người tham gia BHYT.

Thực hiện rà soát, nắm bắt các dự án trên địa bàn sẽ đi vào hoạt động trong năm và các công ty lớn sẽ mở rộng quy mô sản xuất trong năm để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động kịp thời; tổ chức rà soát, thống kê và khai thác số lượng lao động trở về từ các địa phương khác do dịch Covid-19; rà soát thẻ BHYT hết hạn nhưng chưa tham gia trở lại của người dân để chuyển đại lý thu tuyên truyền vận động tham gia trở lại… phối hợp với UBND phường xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Bưu điện tổ chức tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tại các xã, phường, thị trấn và vận động người dân tham gia; thường xuyên đôn đốc rà soát đối tượng học sinh sinh viên (HSSV) chưa tham gia BHYT để kịp thời vận động tham gia, đảm bảo 100% HSSV có thẻ BHYT.

Người dân tham gia BHXH tự nguyện nhận và đối chiếu thông tin trên sổ BHXH tại đại lý thu BHXH, BHYT phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: BHXH tỉnh

Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng tính đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 2.797.073 người, đạt 95,13% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; tăng 22.058 người so với tháng trước; giảm 45.650 người so với cuối năm 2020. Đáng chú ý là vẫn còn khoảng 83 nghìn người dân bị tác động bởi Quyết định số 131/QĐ-TTg và Quyết định số 861/QĐ-TTg chưa được cấp thẻ BHYT trở lại, tập trung chủ yếu là người thuộc nhóm hộ gia đình và học sinh sinh viên.

Đây cũng là nhóm đối tượng yếu thế, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nếu không may gặp phải rủi ro, bệnh tật, sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong công tác vận động người dân tham gia BHYT; đặc biệt là sự sẻ chia của những nhà hảo tâm ủng hộ, tặng thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.