Sáng 9/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Các Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia điều hành hội nghị.

Đây được đánh giá là "Hội nghị Diên Hồng" trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
nqh01892874201_952020.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

PHẤN ĐẤU TĂNG TRƯỞNG GDP TRÊN 5%

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, chính sách hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế. Khi lệnh giãn cách được nới lỏng, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo nén lại, sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid -19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau đó, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội danh nghiệp, doanh nghiệp ở các lĩnh vực đã phát biểu, nêu lên nhiều kiến nghị với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid -19.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đại diện các bộ, ban, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời trả lời về các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành phụ trách.

Tại Nghệ An, dịch Covid-19 tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại, thương mại dịch vụ quý I bị sụt giảm; số doanh nghiệp đăng ký giảm, thu hút đầu tư 4 tháng đầu năm chỉ bằng 30,3% về vốn và 56,7% về số lượng dự án đăng ký… 

Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh như tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất; giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh HTX tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Tỉnh Nghệ An kiến nghị Trung ương sớm bố trí hỗ trợ địa phương kinh phí thực hiện Nghị quyết 42 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn; kiến nghị giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 lây lan phải cách ly; sớm ban hành Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các chuyên gia người nước ngoài sớm trở lại Việt Nam làm việc…
PHẢI CÓ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hiện đã thiết lập trạng thái bình thường mới, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường. Việt Nam tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, nhà quản lý, người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác kinh tế. 

“Covid -19 là đại dịch nhưng cũng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý Nhà nước tốt, nếu biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp có vai trò chủ chốt trên mặt trận kinh tế, Thủ tướng đưa ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp: Một là không được trông chờ ỷ lại trong phát triển. Thứ hai là doanh nghiệp phải được tái cơ cấu để phát triển bền vững. Thứ ba là các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng KHCN, nhất là cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển.

"Đối với doanh nghiệp cần phải giữ: lao động, thị trường và danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam, đổi mới, phát triển doanh nghiệp", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể, như: tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ, nhất là các vướng mắc hiện nay. Đặc biệt, quan tâm đến doanh nghiệp yếu thế, nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý các ý kiến của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp đang chờ sự giải quyết nhanh từ cơ quan Nhà nước, do đó phải tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.