"NGỌN LỬA TĂNG TRƯỞNG VẪN PHẢI CHÁY"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kinh tế nhiều nước trên thế giới trong quý I đã suy thoái và có thể kéo dài, dự báo sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay. Đánh giá một cuộc suy thoái lớn nhất kể từ năm 1930.
Đối với Việt Nam, quý I có mức tăng trưởng kinh tế là 3,82%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm gần đây, nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá, cao nhất trong khối ASEAN.
Tổ chức IMF dự báo, năm nay kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7%, là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong khối ASEAN 5.
Trước thách thức đó, Việt Nam theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt là phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiếu, đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Mô hình phòng, chống dịch của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Đến nay hơn 23 ngày, Việt Nam không có ca nhiễm mới, trừ người nhập cảnh vào và đã được cách ly, không có người tử vong.
“Tại sao chúng ta thành công. Trước hết, dân tộc ta đã có sức đề kháng, tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật. Nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả đều được lợi. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng, chúng ta cơ bản đẩy lùi, kiểm soát tốt dịch Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao. Tại sao?, đó là vì các doanh nghiệp ấy hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng đến các giá trị đích thực, vì lợi ích của con người, lấy con người làm trung tâm, chứ không phải theo đuổi giá trị ảo.
“Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung 5 mũi giáp công: Một là, phải thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là, thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa”, Thủ tướng khẳng định.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng mong muốn thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới.
Doanh nghiệp phải phát triển hình chữ V. Chúng ta thừa nhận Việt Nam còn nhiều nút thắt, nhưng hội nghị này không phải để bàn lùi, than nghèo, kể khổ mà phải nêu được những trở ngại lớn.
Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới bền vững. Để đạt mục tiêu đó, các ngành, các doanh nghiệp phải hiến kế cho Chính phủ, doanh nghiệp phải chủ động tham gia xây dựng luật pháp.
Thủ tướng kỳ vọng hội nghị thể hiện sự kết tinh tinh thần yêu nước của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước. Một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Đây là cơ hội để không chỉ tạo dựng được tinh thần đoàn kết mà còn niềm tin, niềm yêu nước, yêu lao động, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa mạnh mẽ và có chiều sâu trong cả hệ thống. Hội nghị lần này bắt buộc phải có kết quả cụ thể, không nói suông, trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. “Phải có chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Cũng phải có tinh thần chống trì trệ như chống dịch. Virus trì trệ nằm ngay trong tổ chức, doanh nghiệp và địa phương”, người đứng đầu Chính phủ nói.