Việc các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành tiêm phòng dịch cúm gia cầm A/H5N6 khiến người tiêu dùng băn khoăn là vật nuôi sau khi tiêm vắc-xin có được giết mổ không, và cách quản lý như thế nào?
Huyện Diễn Châu hiện có trên 1,9 triệu con gia cầm, thủy cầm. Trong đó có 1,2 triệu con được nuôi nhỏ lẻ, số còn lại 700 nghìn con được nuôi trong các trang trại. Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu cho biết, đơn vị đã nhận 300 nghìn liều vắc-xin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm đang tham mưu cho huyện triển khai công tác tiêm phòng và phân khai vắc-xin về cho các xã.
Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thịt gia cầm, thủy cầm, huyện chỉ đạo các xã lập danh sách tiêm phòng của từng hộ dân, cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền; bắt buộc người dân ký cam kết không giết mổ, buôn bán gia cầm, thủy cầm sau khi tiêm vắc-xin.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Minh - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Nếu gia cầm, thủy cầm sau khi tiêm vắc-xin phòng dịch mà giết mổ ngay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng thịt chế biến thức ăn.
Để quản lý được gia cầm, thủy cầm sau khi tiêm vắc-xin, chính quyền các địa phương phải có giải pháp, trong đó giải pháp trực tiếp là các chủ hộ ký cam kết với chính quyền địa phương không buôn bán, giết mổ gia cầm sau khi tiêm 14 ngày.
Đối với vắc xin phòng dịch cúm gia cầm A/H5N6, sau khi tiêm 14 ngày, người dân mới được bán gia cầm, thủy cầm ra thị trường hoặc giết mổ, ăn thịt nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người.
Sau khi xảy ra 5 điểm dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Quỳnh Lưu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cung ứng 2 triệu liều vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm A/H5N6 cho 9 địa phương tổ chức tiêm phòng gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai và TP.Vinh.